vĐồng tin tức tài chính 365

Sầu riêng có nguy cơ dội chợ

2023-03-14 04:49

Đài Truyền hình Hải Nam (Trung Quốc) mới đây đưa tin sau thời gian trồng thử nghiệm, hiện nay diện tích trồng sầu riêng ở tỉnh này đã vượt hơn 2.000 ha và sầu riêng Hải Nam dự kiến sẽ tung ra thị trường vào năm 2024 với nguồn cung hằng năm khoảng 45.000 - 75.000 tấn.

Lo trước là vừa

Ngoài ra, theo Produce Report, các công ty Trung Quốc thời gian gần đây cũng bắt đầu quan tâm đến việc phát triển khu vực trồng sầu riêng tại Lào để xuất khẩu trở lại Trung Quốc. Theo tờ Laotian Times, hồi năm 2021, các công ty Trung Quốc đã tìm cách thuê gần 5.000 ha đất gần thủ đô Vientiane để trồng sầu riêng.

Không chỉ sầu riêng, Trung Quốc còn trồng nhiều loại trái cây khác nhau ở Lào để xuất khẩu trở lại nước họ. Tính đến năm 2020, tổng cộng 239 công ty Trung Quốc đã đầu tư 590 triệu USD vào nông lâm nghiệp ở Lào, đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nông nghiệp lớn nhất của nước này.

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt Vientiane - Côn Minh dài 1.035 km nối từ thủ đô của Lào sang thủ phủ tỉnh Vân Nam, điểm tập kết sầu riêng từ Đông Nam Á lớn nhất tại Trung Quốc, sẽ là con đường thuận tiện nhất để đưa sầu riêng từ Lào đến tay người tiêu dùng Trung Quốc. Theo tờ The Star, Tập đoàn Đường sắt Côn Minh Trung Quốc cho biết họ đang khuyến khích liên lạc và phối hợp chặt chẽ hơn với các nhân viên hải quan để cải thiện hiệu quả tiến trình thông quan nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Thời gian cần thiết làm thủ tục thông quan đã giảm từ 40 giờ còn dưới 5 giờ.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều nhà vườn dường như chưa hay biết gì, họ vẫn đang say sưa với cơn sốt xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc và đua nhau chặt cây ăn trái để trồng sầu riêng. Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang, cho biết vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh bảo đảm việc phát triển cây sầu riêng theo kế hoạch, có kiểm soát và gắn kết doanh nghiệp tiêu thụ.

Trong văn bản, ông Thọ lưu ý các địa phương thay vì tăng diện tích và sản lượng cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất để tránh tình trạng trồng tự phát, nhỏ lẻ gây khó khăn cho quản lý dịch hại và liên kết tiêu thụ; cũng như tạo vùng nguyên liệu ổn định, để có cơ sở gắn mã số vùng trồng phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho hay không phải gần đây mà từ lâu ngành nông nghiệp Cần Thơ đã khuyến cáo nông dân thận trọng khi tăng diện tích trồng cây sầu riêng. Chỉ nên trồng ở những vùng chuyên canh, tập trung để bảo đảm vấn đề liên kết, có kết nối được doanh nghiệp tiêu thụ và phải sản xuất đạt chất lượng cao, bảo đảm an toàn, truy xuất tốt nguồn gốc để xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện tại sầu riêng là mặt hàng sôi động nhất thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và người kinh doanh. Trong tương lai gần, tiêu thụ sầu riêng rất tốt, DN có nhiều hợp đồng, hàng không đủ giao. "Nhưng giờ nhiều người đổ xô vào trồng mới có thể dẫn đến việc mất kiểm soát về diện tích, kéo theo nguy cơ hàng dư thừa trong 5-10 năm tới. Chúng ta đã có bài học từ cây thanh long, hạt tiêu… khi tăng diện tích quá mức. Hiện nay, diện tích sầu riêng của Việt Nam đã vượt 100.000 ha trong khi định hướng của ngành nông nghiệp chỉ 90.000 ha" - ông Bình thông tin.

Cũng theo ông Bình, hiện một số doanh nghiệp đã đầu tư vào chế biến sâu đối với sầu riêng, giúp đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng, giảm áp lực tiêu thụ rộ. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn cung không để vượt cầu vẫn là quan trọng để tránh cho ngành bị đổ vỡ.

Theo các chuyên gia, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất là Trung Quốc, các nước sản xuất sầu riêng đều hướng đến thị trường này. Do đó, việc sản xuất sầu riêng của Việt Nam cần phải tính đến khả năng cạnh tranh với các đối thủ cũng như tính toán thời điểm thu hoạch để tránh đụng mùa tại thị trường Trung Quốc. Hiện nay, lợi thế của Việt Nam là có sầu riêng gần như quanh năm nên ngay cả Thái Lan cũng cần đến sầu riêng Việt Nam để có nguyên liệu chế biến và cung cấp đơn hàng đều cho khách Trung Quốc.

Sầu riêng có nguy cơ dội chợ - Ảnh 1.

Nhà vườn An Giang không lo lắng khi có nhiều người trồng sầu riêng. Ảnh: VĨNH KỲ

Giá giảm mạnh vẫn lời?

Dù chưa dội chợ như cảnh báo của các chuyên gia nhưng sau một vài tháng tăng nóng, giá sầu riêng ở ĐBSCL đang giảm rất mạnh. Ngày 13-3, ông Hồ Văn Tân, một thương lái thu mua sầu riêng tại TP Cần Thơ, cho biết: "So với hồi đầu tháng 2, giá sầu riêng hiện nay giảm từ 80.000-100.000 đồng/kg. Sầu riêng tôi đi thu mua ở các nhà vườn tại TP Cần Thơ, Vĩnh Long dao động từ 80.000-120.000 đồng/kg tùy loại. Giá giảm do từ tháng 3, sầu riêng ở ĐBSCL bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ, không còn sốt giá như tháng trước".

Dù giá giảm mạnh nhưng theo một số nông dân, với giá 80.000-120.000 đồng/kg họ vẫn có lời. Ông Bùi Văn Phước (ngụ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) có vườn sầu riêng RI6 đạt chứng nhận VietGAP đang bước vào vụ thu hoạch với sản lượng khoảng 50 tấn. Với giá bán 80.000 đồng/kg, ông Phước thu về lợi nhuận gần 2 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, cho biết diện tích trồng sầu riêng của tỉnh hiện nay còn nhỏ hẹp, chỉ hơn 600 ha, trong đó chỉ có trên 140 ha sầu riêng đang cho trái. "Diện tích chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái có tăng so với năm rồi nhưng không nhiều. Riêng cây sầu riêng, diện tích không tăng nhanh và tăng nhiều như các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Chúng tôi sẽ quản lý diện tích trồng mới cây sầu riêng phù hợp theo quy hoạch của tỉnh" - ông Hiền nói.

Cũng theo ông Hiền, những hộ trồng sầu riêng tại An Giang đa phần trồng từ vài năm trước, có nhiều hộ đã thu hoạch được 1 - 2 vụ. Chính vì vậy, khi nông dân ồ ạt trồng sầu riêng thì các nhà vườn lâu năm lại tỏ ra khá bình thản. Như gia đình bà Trương Thị Diệu (xã Tân An, thị xã Tân Châu) trồng được hơn 500 gốc sầu riêng RI6 và sầu riêng Monthong Thái từ năm 2016. Đến mùa 2021, vườn sầu riêng nhà bà bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên. "Trồng sầu riêng mất khá nhiều thời gian, ai đủ kiên nhẫn và vốn liếng mới dám trồng. Vì ngoài thời gian 5 năm để đợi cây cho thu hoạch vụ đầu tiên thì việc đầu tư 1 ha sầu riêng tốn vài trăm triệu là bình thường. Ai có điều kiện thì trồng, tôi không lo họ trồng ồ ạt, vì tôi có đầu ra ổn định cho vườn nhà mình" - bà Diệu tự tin.

Tương tự, vườn sầu riêng gia đình ông Nguyễn Văn Khá, gần vườn bà Diệu, cũng đang cho trái non. Ông Khá cho biết đã đầu tư khá nhiều vốn vào vườn sầu riêng nên cố gắng chăm sóc thêm để cây cho trái tốt. "Để cây phát triển tốt, 5 năm qua, tôi phải đầu tư rất nhiều, cả công lao động và vốn liếng. Sầu riêng là cây lâu năm, lâu cho thu hoạch nên ai muốn trồng cây này phải suy nghĩ kỹ" - ông Khá nói.

Trong khi đó, tại Đồng Tháp, diện tích sầu riêng tăng hơn 60% chỉ sau 1 năm. Theo ước tính sơ bộ của Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp, đến cuối năm 2022, tổng diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh đạt 2.384 ha, tăng 1.440 ha so với cuối năm 2021. Trong đó, diện tích cho sản phẩm hơn 423 ha, với tổng sản lượng thu hoạch khoảng 800 tấn và năng suất đạt gần 1,9 tấn/ha.

Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Đồng Tháp, cho rằng dù diện tích trồng sầu riêng có tăng nhanh nhưng vẫn nằm trong quy hoạch tổng thể của tỉnh. "Nhiều nhà vườn chọn cách trồng mít xen vào vườn trồng sầu riêng nhằm lấy ngắn nuôi dài, đến khi sầu riêng cho thu hoạch đều sẽ đốn bỏ mít. Đến nay, Đồng Tháp vẫn quản lý tốt diện tích trồng mới sầu riêng và chúng tôi sẽ khuyến cáo nông dân trồng đúng quy hoạch chuyển đổi cây trồng của tỉnh để bảo đảm thuận lợi đầu ra cho sản phẩm" - ông Chấn giải thích. 

Khó kiểm soát chất lượng

Ông Nguyễn Minh Hậu - Giám đốc Công ty TNHH Sáu Ri (tỉnh Vĩnh Long), "truyền nhân" của người tạo ra giống sầu riêng RI6 nổi tiếng, tỏ ra lo lắng về việc mặt hàng sầu riêng tăng trưởng quá nóng sẽ gây khó về việc kiểm soát chất lượng. "Hiện nhu cầu quá lớn dẫn đến tình trạng thương lái chấp nhận thu mua trái non. Điều này sẽ làm giảm chất lượng quả khi đến tay người tiêu dùng, làm mất uy tín sản phẩm. Chúng ta cần phải có tiêu chuẩn cho sầu riêng, nhất là độ già và có sự kiểm soát chặt để bảo vệ thương hiệu" - ông Hậu đề nghị.

Xem thêm: mth.30944830231303202-ohc-iod-oc-yugn-oc-gneir-uas/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sầu riêng có nguy cơ dội chợ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools