Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2, 2 bộ gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương được Chính phủ giao phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Bộ Tài chính được giao chủ trì.
Chỉ đạo được đưa ra trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm, các hãng sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước dần đối mặt với khó khăn, kéo theo sản xuất bị ảnh hưởng. Hàng loạt hiệp hội, địa phương đã kiến nghị Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm nay và giảm 50% lệ phí trước bạ với xe trong nước để kích cầu.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng siết tín dụng, lãi suất tăng khiến thanh khoản thị trường bị thu hẹp. Các doanh nghiệp ô tô gồng mình đối mặt với tình trạng hàng tồn kho tăng cao, sức mua giảm mạnh.
Còn Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết tiêu thụ xe giảm kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí bị sụt đơn hàng. Trong ngắn hạn, nếu sức mua không cải thiện, thị trường không tăng trở lại, để giảm bớt áp lực tồn kho, các hãng sẽ khó duy trì nhịp sản xuất ổn định, buộc phải giảm công suất, nhân công.
Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ không giúp giảm giá xe nhưng người mua giảm được chi phí để lăn bánh một chiếc ô tô mới, qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng. Chính phủ đã từng 2 lần ra các chính sách trên, mỗi lần áp dụng trong 6 tháng, vào hồi giữa năm 2020 và cuối năm 2021.
Về phía doanh nghiệp, 2 chính sách kích cầu này sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền cũng như có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất.
Thực tế, việc giảm thuế có thể khiến thu ngân sách bị ảnh hưởng, nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, tỷ trọng lệ phí trước bạ so với các khoản thuế phải nộp khác phát sinh từ tiêu dùng xe không đáng kể. Vì thế, tổng thu ngân sách Nhà nước vẫn được đảm bảo bởi các khoản thuế, phí và lệ phí phát sinh khi người mua đăng ký sở hữu xe khác như thuế VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí cấp biển, đăng kiểm lần đầu…