Dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 6/3 ghi nhận giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore tăng tương đối mạnh so với kỳ điều hành ngày 1/3. Bình quân, mỗi thùng xăng RON 92 (loại dùng để pha chế xăng E5 RON 92) có giá là 96,2 USD; xăng RON 95 là 100 USD/thùng. Giá dầu hỏa và dầu diesel cũng cùng xu hướng đi lên.
Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu cho biết giá dầu ít ngày qua giảm mạnh. Do đó, vị này dự báo giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 11/3 có thể chỉ tăng nhẹ theo xu hướng giá thế giới. Thậm chí, nếu cơ quan quản lý không trích lập hoặc chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể tiếp tục giảm.
Tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 1/3, giá xăng E5 RON 92 giảm 120 đồng, xuống 22.420 đồng/lít; RON 95 giảm 120 đồng, xuống 23.320 đồng/lít. Tính từ đầu năm, mặt hàng này đã trải qua 7 lần điều chỉnh giá, trong đó có 4 lần tăng, 2 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Theo Bộ Tài chính, trong quý IV/2022, các doanh nghiệp đầu mối đã trích thêm 2.155 tỷ đồng vào quỹ bình ổn giá mặt hàng và chỉ sử dụng hơn 79 tỷ đồng từ quỹ, giúp số dư đến cuối năm đạt 4.617 tỷ đồng.
Trong 31 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là đơn vị có số dư quỹ đến cuối năm 2022 cao nhất với 1.986 tỷ đồng, chiếm tới 43% tổng số dư quỹ bình ổn giá toàn ngành.
Ở chiều ngược lại, còn 7 doanh nghiệp đầu mối có số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu âm, gồm Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (âm 513 tỷ đồng); Công ty TNHH Petro Bình Minh (âm 60 tỷ đồng); Công ty cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh (âm 38 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng (âm 36 tỷ đồng); Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An (âm 26 tỷ đồng); Công ty TNHH Hải Linh (-12 tỷ đồng) và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (âm 11 tỷ đồng).
Liên quan đến việc dự trữ quốc gia về xăng dầu, Bộ Công Thương mới đây đề xuất giai đoạn năm 2023-2025, nâng mức dự trữ từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.
Để thực hiện phương án này, ngân sách Nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách Nhà nước. Hiện nay, ngân sách Nhà nước mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.
Xem thêm: mth.67185613290303202-ab-uht-nal-peit-maig-yah-ial-ort-gnat-tab-gnax-aig/hnaod-hnik/nv.moc.irtnad