Kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra thuế hơn 39.700 tỉ đồng
Tin tức từ Tổng cục Thuế, đến hết tháng 8-2023, toàn ngành thực hiện 38.866 cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp, kiểm tra được 393.280 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 39.748 tỉ đồng, bằng 102,89% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 10.348 tỉ đồng; giảm khấu trừ là 1.194 tỉ đồng; giảm lỗ là 28.205 tỉ đồng.
Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 7.189 tỉ đồng, bằng 69,47% số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.
Về kết quả thanh tra, tổng số truy thu, truy hoàn, phạt là 4.186 tỉ đồng; giảm khấu trừ là 176 tỉ đồng; giảm lỗ là 11.703 tỉ đồng; số đã nộp ngân sách là 2.853 tỉ đồng, bằng 68,2% số tăng thu qua thanh tra.
Về kết quả kiểm tra, tổng số truy thu, truy hoàn, phạt là 5.775 tỉ đồng; giảm khấu trừ là 934 tỉ đồng; giảm lỗ 15.919 tỉ đồng; số đã nộp ngân sách là 3.949 tỉ đồng, bằng 68,4% số tăng thu qua kiểm tra.
Đồng thời kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế được 393.280 hồ sơ, bằng 85,3% so với cùng kỳ năm 2022; xử lý điều chỉnh thu vào ngân sách 386 tỉ đồng; giảm khấu trừ 83 tỉ đồng; giảm lỗ là 582 tỉ đồng.
Việt Nam chi hơn 240 triệu USD/năm nhập máy móc chế biến gỗ
Nhiều máy móc, thiết bị công nghệ sản xuất gỗ tự động, toàn diện được trưng bày, giới thiệu tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 15 về máy móc và thiết bị công nghiệp ngành chế biến gỗ 2023 (VietnamWood 2023) khai mạc ngày 20-9 tại TP.HCM.
Tin tức từ triển lãm cho biết hiện nay Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ năm trên thế giới với nhu cầu đáng kể về máy móc và linh kiện chế biến gỗ. Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 240 triệu USD máy móc chế biến gỗ.
Quá trình hồi phục của ngành gỗ Việt Nam những tháng gần đây tiếp tục đón nhận sự quan tâm của các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và cung ứng ngành gỗ.
Sau 3 năm gián đoạn, VietnamWood 2023 quay trở lại nhanh chóng thu hút sự tham gia của hơn 320 nhà triển lãm với hơn 600 gian hàng đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau để giới thiệu các dòng sản phẩm chế biến gỗ mới nhất, và tham gia các sự kiện, hoạt động được tổ chức một cách chuyên nghiệp.
Hơn 6.000 vé tàu giảm giá 30%
Tin tức từ Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết sẽ triển khai chương trình khuyến mãi "6.000 chỗ giảm giá 30%" cho khách đi trên các đoàn tàu công ty quản lý trong tháng 10 (từ ngày 1 đến hết ngày 31-10).
Thời gian bán vé từ 8h ngày 22-9 đến hết ngày 28-10, áp dụng cho khách mua vé trước 3 ngày tàu chạy trở lên với số toa, số chỗ cụ thể (khi hành khách mua vé vào những chỗ cố định này sẽ được giảm 30% giá vé).
Các đoàn tàu áp dụng: tàu SE3/SE4, SE7/SE8 có cự ly đi từ 400km trở lên (thứ hai đến thứ tư), từ 500km trở lên (thứ năm đến chủ nhật).
Tàu SE21/SE22 có cự ly vận chuyển từ 400km trở lên, tàu SNT1/SNT2 có cự ly đi từ 250km trở lên, tàu SPT1/SPT2 có cự ly đi từ 150km trở lên.
Sau khi giảm giá, chặng TP.HCM - Nha Trang chỉ từ 180.000 đồng/vé, chặng TP.HCM - Hà Nội chỉ từ 615.000 đồng/vé.
Vi phạm về shisha, khí cười, thuốc lá điện tử tăng
Tin tức từ UBND TP.HCM cho biết vừa có kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về shisha, khí cười, thuốc lá điện tử. Hiện nay tình trạng sử dụng shisha, khí cười, thuốc lá điện tử có xu hướng tăng. Một trong những nguyên nhân là do công tác quản lý còn hạn chế.
UBND TP.HCM đã đề nghị tăng cường quản lý địa bàn, chủ động phối hợp kiểm tra các tổ chức, cá nhân đăng ký sản xuất, kinh doanh hóa chất.
Công an TP.HCM có trách nhiệm nắm bắt địa bàn, không để các đối tượng lợi dụng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép shisha, khí cười, thuốc lá điện tử. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Giao Cục Quản lý thị trường TP tăng cường kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh shisha, khí cười, thuốc lá điện tử.
Chủ tịch UBND các quận huyện và TP Thủ Đức chịu trách nhiệm trước UBND TP khi để tồn tại hoạt động công khai sản xuất, kinh doanh, tổ chức sử dụng khí cười, shisha, thuốc lá điện tử tại các cơ sở kinh doanh mà không xử lý.
Hơn 70% số ca tử vong là do mắc bệnh không lây nhiễm
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, cứ 100 ca tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, trong đó nguyên nhân do bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư chiếm 19%, COPD chiếm 6%, đái tháo đường chiếm 4% và các bệnh không lây nhiễm khác chiếm 18%.
Bệnh không lây nhiễm bao gồm các bệnh tim, đột quỵ, ung thư, phổi, tiểu đường, rối loạn tâm thần.
Bà Angela Pratt, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết cứ 5 ca tử vong lại có 4 trường hợp vì bệnh không lây nhiễm.
Cũng tin tức từ hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về các giải pháp phòng ngừa những bệnh không lây nhiễm được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hải Phòng từ ngày 20 đến ngày 22-9.
Bà Angela Pratt, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết cứ 5 ca tử vong lại có 4 trường hợp vì bệnh không lây nhiễm.
Các bệnh không lây nhiễm thường không xác định được nguyên nhân cụ thể mà chỉ có một nhóm yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh phát triển gồm môi trường sống không lành mạnh, thuốc lá, rượu bia, các loại thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ăn nhiều muối và đường (đặc biệt là trong các đồ uống ngọt), ít vận động...
Khuyến cáo 7 biện pháp phòng tránh bệnh Whitmore
Tin tức cho biết mới đây, bệnh nhi 15 tuổi (trú tại Thanh Hóa) đã tử vong do mắc bệnh Whitmore. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh Whitmore như sau:
1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.
2. Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
3. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông gần nơi bị ô nhiễm.
4. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.
5. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch để đảm bảo vệ sinh.
6. Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch… cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
7. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời.
Tin tức đáng chú ý: Ai được miễn lệ phí đăng ký xe cơ giới từ ngày 22-10?; Nạp tiền vào 'quỹ đầu tư nội bộ' nghi giả mạo EVN coi chừng mất sạch; 2 nhóm hàng xuất khẩu tăng tỉ USD trong 8 tháng đầu năm 2023...