Như Thanh Niên đã đưa tin, UBND TP.Phú Quốc (Kiên Giang) vừa tổ chức cưỡng chế phá dỡ 14 biệt thự của 14 cá nhân trong khu vực 79 căn biệt thự xây dựng trái phép ở khu đất rộng 18,9 ha do nhà nước quản lý trên địa bàn xã Dương Tơ. Chủ nhân các căn biệt thự này cùng ngụ ấp Đường Bào, xã Dương Tơ. Diện tích đất bị chiếm để xây biệt thự nhiều nhất gần 1.000 m², ít nhất hơn 430 m².
Phát biểu trên Thanh Niên, ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Sau khi hoàn thành cưỡng chế 14 căn biệt thự này, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn tất thủ tục để cưỡng chế các căn còn lại".
Trước đó, UBND TP.Phú Quốc phát hiện một số cá nhân chiếm đất nhà nước quản lý, xây dựng trái phép các căn biệt thự. Sau khi ban hành quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nhưng các cá nhân nói trên né tránh, không tự nguyện chấp hành, UBND TP.Phú Quốc ban hành các quyết định cưỡng chế và bước đầu thực hiện việc cưỡng chế trên thực địa.
Đừng phạt rồi cho tồn tại
Quyết tâm thực hiện nghiêm, lập lại kỷ cương trong công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn Phú Quốc của UBND tỉnh Kiên Giang được bạn đọc (BĐ) hoan nghênh. BĐ Tân Lê nhận xét: "Phải làm mạnh thế mới giữ được kỷ cương phép nước. Đề nghị không thể vì sai lầm trước đây cùng với lý do hạn chế thiệt hại này kia mà chấp nhận xử phạt, cho tồn tại". BĐ Lam Liễu cũng cho rằng: "Mỗi công dân đều phải có tinh thần thượng tôn pháp luật. Chính quyền cứ theo luật mà làm".
Đồng thời, nhiều BĐ lưu ý từng xảy ra nhiều vụ vi phạm xây dựng mà các cá nhân "nhắm mắt làm liều" vì tin rằng "sẽ có cơ hội bị phạt nhưng cho tồn tại công trình đã trót xây dựng". Do vậy "sự kiên quyết trong xử lý các công trình vi phạm là cách tốt nhất lập lại kỷ cương xây dựng, quản lý đất đai", BĐ Minh Nghĩa phân tích. Tán thành, BĐ nguyenvcong1308 nêu: "Trước đây có tình huống phạt rồi cho tồn tại làm nhiều người cố tình phạm luật vì mức phạt quá nhỏ so với lợi ích. Giờ mà cứ cưỡng chế, phá bỏ hoàn toàn thì sau này tình trạng này sẽ không còn".
Xử lý thực chất
Một số ý kiến BĐ cũng cho rằng nếu cơ quan quản lý địa phương làm tốt công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu thì đã không phát sinh tình cảnh trớ trêu "còn đến hàng chục căn biệt thự chưa bị cưỡng chế tháo dỡ". BĐ Lê Trân nhận xét: "Trách nhiệm ở đâu, của ai, sẽ phải bị đưa ra xử lý đầy đủ, nhưng việc trước hết là phải cưỡng chế hết các công trình vi phạm, vì chỉ cần còn tồn tại một căn thôi, cũng là sự thách thức với kỷ cương pháp luật".
Ngoại trừ các căn biệt thự xây trái phép đã bị cưỡng chế tháo dỡ, cộng với một số hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ, hiện vẫn còn 60 căn biệt thự trái phép tại khu vực này.
Bức xúc về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Phú Quốc trong thời gian qua để nảy sinh đến 79 căn biệt thự trái phép, BĐ Amaquyen đề nghị việc xử lý hậu quả phải thực chất: "Nên tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm khắc cán bộ quản lý xây dựng tại địa phương song song với việc cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm. Không thể có chuyện người ta xây tới 79 căn biệt thự trái phép mà cơ quan quản lý địa phương không nhìn thấy! Cái gì che mắt vậy?".
BĐ Thai Nguyen đặt câu hỏi: "Các cán bộ địa phương quản lý thế nào mà để xây dựng trái phép nhiều căn như vậy? Rồi những người xây dựng trái phép lại chây ỳ không chịu tự tháo dỡ mà cơ quan chức năng phải cưỡng chế thì có bị xử lý gì không?".
* Ủng hộ chính quyền Phú Quốc đã cương quyết trong việc này. Phép nước phải được thực thi thì dân mới phục... Chờ ngày các căn còn lại bị cưỡng chế hết.
duc nguyen van
* Mong sao đừng để xảy ra tình trạng như thế này nữa. Người vi phạm thì mất tiền của, nhà nước thì mất công mất sức cưỡng chế.
daoanhtuanhp1970