Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) mới nhất (dự thảo 4) có quy định về việc xử lý thẩm phán vi phạm pháp luật (Điều 105).
Bắt thẩm phán Tối cao phải báo cáo Chủ tịch nước
Theo đó, trường hợp thẩm phán TAND Tối cao bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo cho Chủ tịch nước biết.
Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của thẩm phán TAND Tối cao thì cơ quan điều tra (CQĐT), VKS phải báo cáo cho Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam biết.
Viện trưởng VKSND Tối cao có thẩm quyền phê chuẩn đề nghị bắt, tạm giam, tạm giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của thẩm phán TAND Tối cao.
Trường hợp thẩm phán bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức thông báo cho Chánh án TAND Tối cao biết.
Trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của thẩm phán thì CQĐT, VKS phải thông báo cho Chánh án TAND Tối cao biết.
Dự thảo mới nhất không dùng từ quyền miễn trừ của thẩm phán mà sửa lại tên điều luật là Xử lý thẩm phán vi phạm pháp luật; thay thế việc “không được bắt…” nếu “không có sự đồng ý”… bằng từ “báo cáo” cho Chủ tịch nước, “thông báo” cho Chánh án TAND Tối cao.
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc thông báo cho chánh án biết hay báo cáo cho Chủ tịch nước (người bổ nhiệm) mang ý nghĩa là cơ quan quản lý người đó cần phải biết để phối hợp, chứ không phải là ngăn cản không được bắt.
Báo tin hay xin ý kiến?
Góp ý cho đề xuất trên, luật sư (LS) Trần Cao Đại Kỳ Quân, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, cho rằng những thay đổi về tên điều luật không làm thay đổi nội hàm của điều luật này. Việc bắt, giam, giữ, khởi tố... là những hoạt động của CQĐT, VKS thực hiện theo quy định của BLTTHS. Việc quy định thêm như dự thảo là vượt quá quy định của tố tụng hình sự.
Cạnh đó, LS Quân đặt giả thiết: “Nếu không báo cáo, không thông báo thì sao? Hoặc nếu người được báo cáo, được thông báo không đồng ý thì sao? CQĐT và VKS có được phép tiếp tục thực hiện các hoạt động tố tụng hay phải chờ?”.
Có nhiều cơ chế khác để bảo vệ thẩm phán
Chức năng đặc thù của tòa án là xét xử, nhân danh Nhà nước. Có thể bảo vệ thẩm phán tốt hơn bằng tăng lương, thêm đãi ngộ, tăng cường lực lượng bảo vệ thẩm phán khi thực thi công việc.
Đặc biệt là về quy trình bổ nhiệm, các tiêu chí xem xét tái bổ nhiệm nên đơn giản hóa, nhanh chóng, hạn chế luân chuyển...
LS TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn LS tỉnh Đồng Nai
Từ đó, LS Quân góp ý cần làm rõ từ “báo cáo”, “thông báo” là báo tin hay là xin ý kiến. Nếu là “xin ý kiến” thì quay lại như dự thảo ban đầu, còn nếu không phải là xin ý kiến thì quy định này là để báo tin nhưng báo tin để làm gì, có cần thiết không. Vì khi một thẩm phán bị bắt thì lãnh đạo tòa án có trách nhiệm báo cáo lên cấp trên…
Với quan điểm không cần thiết phải có thủ tục “báo cáo”, “thông báo” khi áp dụng những động thái tố tụng hình sự đối với thẩm phán, ThS Võ Văn Tài (Phó Trưởng khoa Kiểm sát hình sự Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) phân tích: BLTTHS quy định sau khi bắt, giam, giữ một công chức thì CQĐT phải thông báo cho gia đình và cơ quan chủ quản của công chức đó.
Thực tế, cơ quan có công chức bị bắt, giam, giữ luôn biết được điều này để phối hợp với CQĐT nhằm nắm thêm thông tin liên quan làm cơ sở cho việc thực hiện việc điều chỉnh công tác của công chức đó. Dù luật không quy định đi nữa thì trên thực tế vẫn có những cơ chế khác để biết, để các cơ quan nắm được thông tin công chức của họ bị bắt và họ phải báo cáo cho cấp trên theo cơ chế nội bộ.
Từng là thẩm phán nhiều năm, LS Quân cho biết ông nhận thấy nghề thẩm phán là một nghề rất áp lực. Áp lực không chỉ bởi nhiều vụ án phức tạp mà còn bởi cơ chế về xét thi đua, bổ nhiệm, tái bổ nhiệm...
Đồng cảm và chia sẻ với những áp lực của các thẩm phán nhưng LS Quân nhìn nhận thẩm phán bản chất vẫn chỉ là công chức, do đó không thể có những đặc quyền hơn các công chức khác được. Trong khi công bằng chính là “kim chỉ nam” của mỗi thẩm phán khi hành nghề. Đó là chưa kể hiện nay chúng ta chưa thể kiểm soát hết các hành vi của thẩm phán, nếu quy định như trên sẽ khiến nhiều thẩm phán có tâm lý ỷ lại.
Không cần sinh thêm quy định
Quy định khi bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của thẩm phán, CQĐT VKSND Tối cao phải thông báo cho Chánh án TAND Tối cao biết cũng không phù hợp. Bởi CQĐT VKSND Tối cao chỉ điều tra tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc CQĐT, TAND, VKSND, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND.
Trong khi đó, thẩm phán có thể có các hành vi phạm tội khác, vậy những trường hợp này có phải thông báo hay không? Còn nếu chỉ thông báo khi thẩm phán phạm tội về hai loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng thì sẽ dẫn đến xung đột pháp luật.
Các quy định pháp luật hiện hành để xử lý hành vi phạm tội có liên quan đến thẩm phán đã đầy đủ nên không cần quy định thêm.
ThS VÕ VĂN TÀI, Phó Trưởng khoa Kiểm sát hình sự
Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM