vĐồng tin tức tài chính 365

Cách Mỹ xử lý vụ đóng cửa hai ngân hàng

2023-03-14 06:54

Khi một ngân hàng sụp đổ, câu hỏi thường là "ai sẽ là người tiếp theo?". Các tổ chức tài chính khác có thể vạ lây do có mối liên hệ với nhà băng bị sụp đổ, có mô hình kinh doanh tương tự hoặc đơn giản là do tâm lý nhà đầu tư xấu đi. Người gửi tiền thì đối mặt với tổn thất nếu số tiền gửi quá lớn so với hạn mức được bảo hiểm.

Đây chính là những lo ngại khi Silicon Valley Bank (SVB) - nhà cho vay lớn thứ 16 của Mỹ, sụp đổ. Dầu càng châm vào lửa khi Signature Bank - ngân hàng quen thuộc với giới tiền số - bị giới chức New York đóng cửa hôm 12/3, hai ngày sau vụ sụp đổ của SVB.

Người dân đọc thông báo trước trụ sở của SVB ở Santa Clara, California vào ngày 10/3. Ảnh: AP

Người dân đọc thông báo trước trụ sở của SVB ở Santa Clara, California vào ngày 10/3. Ảnh: AP

Thứ bảy (11/3), Tổng thống Joe Biden có cuộc thảo luận về sự sụp đổ của SVB với Thống đốc California Gavin Newsom. Nhà Trắng không công bố chi tiết thảo luận nhưng ông Newsom nói mục tiêu là "ổn định tình hình càng nhanh càng tốt, để bảo vệ việc làm, sinh kế của người dân và toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo" của bang California.

Đến 12/3, quyết định giải quyết khủng hoảng được công bố, thông qua một phản hồi chung của Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).

Hành động của bộ 3 này gồm 2 bước xử lý. Đầu tiên, họ cam kết tiền của người gửi trong SVB và Signature Bank được đảm bảo. Người gửi tiền ở cả 2 nhà băng sẽ có thể tiếp cận tiền của họ từ sáng thứ hai (13/3). Đồng thời, người dân Mỹ sẽ không phải chịu trách nhiệm với bất kỳ khoản thiệt hại nào liên quan đến 2 ngân hàng này. Thay vào đó, những người nắm cổ phần, các trái chủ và FDIC sẽ chịu mọi tổn thất.

Thứ hai, Fed thiết lập một cơ chế cho vay mới, gọi là chương trình hỗ trợ vốn ngân hàng có kỳ hạn. Nó cho phép các ngân hàng cầm cố trái phiếu, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) và các tài sản đủ điều kiện khác làm tài sản thế chấp.

Thông qua cầm cố, các ngân hàng sẽ nhận một khoản ứng trước tiền mặt. Lãi suất vay với khoản ứng trước này được cố định ở mức bình quân lãi suất qua đêm liên ngân hàng trong một năm, cộng thêm 0,1%, Theo The Economist, đây là điều khoản hào phóng mà Fed có thể làm.

Để phân tích lý do Fed tung ra gói này, cần điểm lại "cái chết" của SVB. Đây là ngân hàng cho giới khởi nghiệp. Khi startup bùng nổ và rủng rỉnh, tiền gửi tại SVB đã tăng hơn gấp 4 lần - từ 44 tỷ USD vào cuối năm 2017 lên 189 tỷ USD vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, cho vay của họ chỉ tăng từ 23 tỷ USD lên 66 tỷ USD.

Vì các ngân hàng kiếm tiền dựa trên chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, nên việc nhận tiền gửi quá nhiều mà cho vay ít là một vấn đề. Do đó, SVB đi kiếm tiền bằng những cách khác. Đến cuối 2021, họ đã đầu tư 128 tỷ USD chủ yếu vào trái phiếu kho bạc và trái phiếu doanh nghiệp.

Sau đó, thế giới thay đổi do Fed. Lãi suất tăng vọt khi lạm phát trở nên nghiêm trọng. Điều này đã giết chết nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho startup và khiến giá trái phiếu giảm mạnh, tức SVB bị tấn công cả 2 đường.

Khi khó gọi vốn, các startup rút tiền ở SVB để tiêu xài khiến tiền gửi tại đây giảm từ 189 tỷ USD vào cuối năm 2021 xuống còn 173 tỷ USD vào cuối năm 2022. Do tiền đã mang đi đầu tư, SVB buộc phải bán dần trái phiếu họ nắm giữ.

Nhưng vấn đề là, khi Fed nâng lãi để đối phó lạm phát, giá trị số trái phiếu này giảm theo. Nhà băng này ghi nhận khoản lỗ nếu tính theo giá thị trường vượt quá 15 tỷ USD vào cuối năm 2022 với các chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn, gần như tương đương toàn bộ vốn chủ sở hữu là 16,2 tỷ USD.

Tóm lại, một phần "cái chết" của SVB đến từ tác động nhiều hướng, trực tiếp lẫn gián tiếp, bởi Fed tăng lãi suất. Do đó, Fed cần một chương trình mới để ngăn các ngân hàng có nguy cơ như SVB. Bộ trường Tài chính Janet Yellen cũng xác nhận lãi suất tăng là vấn đề cốt lõi với khủng hoảng của SVB.

Fed vốn đã có một cơ chế cho vay gọi là cửa sổ chiết khấu (Discount Window) công cụ nhằm giúp các ngân hàng thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn dựa trên thế chấp tài sản với giá trị hợp lý.

Do vậy, chương trình hỗ trợ vốn mới của Fed không chỉ bảo vệ các ngân hàng trước vấn đề thanh khoản mà còn rủi ro lãi suất. Chính SVB là một nạn nhân của lãi suất, nên nếu chương trình ra đời sớm hơn có lẽ ngân hàng này đã không sụp đổ. Nhưng mặt khác, chương trình này có quá sớm không phải tốt vì nó sẽ càng khuyến khích những kế hoạch kinh doanh liều lĩnh của các ngân hàng.

Động thái của Bộ Tài chính Mỹ và Fed cũng đặt ra hai câu hỏi. Đầu tiên, là liệu có ai mua SVB hay Signature không. Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính nói chính phủ nhất thiết phải hành động thật nhanh ngay cuối tuần vì điều quan trọng là phải trấn an người gửi tiền vào sáng thứ hai (13/3).

Với người mua lại SVB, việc đặt giá thầu đòi hỏi quá trình thẩm định sâu rộng, nên khó hoàn thành ngay trong cuối tuần trước. Nhưng đến sáng 13/3, đáp án đến khi Chính phủ Anh thông báo HSBC Holdings mua lại mảng kinh doanh của SVB tại đây để bảo vệ người gửi tiền và ngành công nghệ.

Thứ hai và quan trọng hơn, mọi người sẽ hỏi liệu những hành động này có tương đương với một gói cứu trợ của chính phủ hay không. Điều đó không đơn giản để trả lời. Các quan chức có thể hoàn trả đầy đủ tiền cho người gửi bằng cách xóa sổ tài sản của các cổ đông và trái chủ của hai ngân hàng. Điều đó cho thấy, các ngân hàng khác cũng có thể liên đới thiệt hại vì sự sụp đổ của SVB và Signature thay vì người dân Mỹ.

Theo The Economist, qua cách xử lý của chính phủ Mỹ, rõ ràng vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ hệ thống ngân hàng đã được mở rộng, với các điều khoản hào phóng mà các nhà băng có thể đổi tài sản chất lượng cao để lấy tiền mặt.

Năm 1873, Walter Bagehot, cựu biên tập viên của The Economist, đã phân tích vai trò quan trọng của ngân hàng trung ương là người cho vay cuối cùng với hệ thống ngân hàng. Điều đó cho phép ngân hàng trung ương ổn định hệ thống tài chính, ngăn chặn việc các nhà băng kém thanh khoản gây ra sự sụp đổ dây chuyền đến các nhà băng khác.

Nhưng động thái lần này của Mỹ có thể sẽ ở quy mô giới hạn hơn nhiều so với những gì họ cứu trợ trong cuộc khủng hoảng tài chính cách đây gần 15 năm. Hôm 12/3, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết chính phủ liên bang sẽ không bảo lãnh cho SVB mà chỉ bảo vệ khách gửi tiền.

Bà cho rằng tình hình giờ rất khác khủng hoảng lần trước. "Chúng tôi sẽ không làm điều đó một lần nữa", bà nói về cách cứu trợ trước đây. Khi Phố Wall náo loạn, bà trấn an rằng vấn đề của ngành công nghệ không phải là các rủi ro chính hiện có của hệ thống ngân hàng Mỹ và sẽ không có hiệu ứng domino nào. "Hệ thống ngân hàng Mỹ thực sự an toàn và được vốn hóa tốt", bà nói.

Larry Summers, Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói rằng chừng nào nhà nước còn can thiệp, không có lý do gì phải lo lắng rằng sự sụp đổ của SVB sẽ gây hại cho các bộ phận khác của hệ thống tài chính. Nhiều người hy vọng ông ấy đúng.

Phiên An (theo The Economist, Le Monde)

Xem thêm: lmth.4070854-gnah-nagn-iah-auc-gnod-uv-yl-ux-ym-hcac/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cách Mỹ xử lý vụ đóng cửa hai ngân hàng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools