Theo phân tích của IEA, lượng khí thải toàn cầu từ năng lượng tăng chưa đến 1% vào năm 2022, lên mức cao mới là hơn 36,8 tỷ tấn. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức 6% của năm 2021 nhờ sự phát triển của năng lượng tái tạo giúp hạn chế tác động của việc gia tăng tiêu thụ than và dầu trên toàn cầu.
Phân tích của IEA được đưa ra trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng sau ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022.
Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol cho biết: “Tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng không dẫn đến sự gia tăng lớn lượng khí thải toàn cầu như lo ngại ban đầu. Điều này là nhờ vào sự phát triển vượt bậc của năng lượng tái tạo, xe điện, máy bơm nhiệt và công nghệ tiết kiệm năng lượng”.
IEA cho biết, nếu không có sự tăng trưởng năng lượng sạch, mức tăng phát thải năm ngoái sẽ cao gần gấp 3 lần. Tuy nhiên, IEA cảnh báo rằng lượng khí thải vẫn đang trên quỹ đạo tăng trưởng không bền vững và kêu gọi cần hành động mạnh mẽ hơn để chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
“Các công ty nhiên liệu hóa thạch quốc tế và quốc gia đang đạt doanh thu kỷ lục và cần phải chịu trách nhiệm, phù hợp với các cam kết công khai để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu. Điều quan trọng là họ phải xem xét các chiến lược của mình để đảm bảo rằng chúng phù hợp với việc giảm lượng khí thải có ý nghĩa”, ông Fatih Birol cho biết.
Báo cáo của IEA cho thấy lượng khí thải từ khí đốt tự nhiên đã giảm 1,6% vào năm ngoái do nguồn cung cấp khí đốt vốn đã eo hẹp lại càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine và sự gián đoạn thương mại trên diện rộng sau đó. Nhưng lượng khí thải từ than đá tăng 1,6% đã bù đắp cho sự sụt giảm của lượng khí thải từ khí đốt tự nhiên.
Ngoài ra, lượng khí thải từ dầu đã tăng 2,5%, trong đó khoảng một nửa mức tăng đó đến từ lĩnh vực hàng không khi du lịch hàng không tiếp tục phục hồi sau đại dịch. Mặt khác, xe điện tiếp tục đà tăng trưởng trong năm ngoái với hơn 10 triệu xe được bán ra, vượt 14% doanh số bán xe hơi toàn cầu.
Mức tăng phát thải lớn nhất vào năm 2022 đến từ lĩnh vực sản xuất điện và nhiệt, với mức phát thải tăng 1,8%. IEA cho biết các sự kiện thời tiết khắc nghiệt bao gồm hạn hán và sóng nhiệt, cùng với số lượng lớn bất thường các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động là một trong những yếu tố góp phần làm tăng lượng khí thải trong năm ngoái.
Tại Mỹ, lượng khí thải trong năm ngoái đã tăng 0,8% khi các tòa nhà tăng mức tiêu thụ năng lượng để chịu đựng nhiệt độ khắc nghiệt, trong khi ở lượng khí thải thấp hơn 2,5% ở EU.
Lượng khí thải ở Trung Quốc nhìn chung không thay đổi vào năm ngoái do các biện pháp nghiêm ngặt về Covid-19 và hoạt động xây dựng suy giảm đã khiến hoạt động công nghiệp và giao thông vận tải suy giảm.
Năm ngoái, IEA cho biết, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine gây ra đã tạo ra động lực chưa từng có đối với năng lượng tái tạo và dự đoán rằng năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn phát điện lớn nhất thế giới vào năm 2025.