Các công nhân sản xuất tại Khu Công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ở TP.HCM khởi sắc
Ông Nguyễn Anh Thi - trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM - cho biết sản xuất tại Khu Công nghệ cao TP đã phục hồi khi thu hút có hơn 100.000 lao động với 51.000 lao động chính thức và hiện có 160 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỉ USD.
Trong đó, có 51 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 10,1 tỉ USD (chiếm 84%) và 111 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ USD (chiếm 16%).
Bên cạnh đó, giá trị sản xuất của toàn khu tính đến nay đạt 120 tỉ USD và dự kiến kim ngạch xuất khẩu của khu đạt 23 tỉ USD trong năm nay.
Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cũng cho biết tình hình thu hút đầu tư 9 tháng đầu năm khởi sắc với hơn 422 triệu USD, đạt 84% kế hoạch và tăng hơn 3% so với cùng kỳ khi kế hoạch đặt ra là 500 triệu USD...
Hiện các khu công nghiệp, chế xuất tại TP.HCM có khoảng 281.220, tăng gần 3% so với đầu năm.
Bộ Công an đề nghị BHXH hỗ trợ xử lý hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm
Đoàn công tác của Bộ Công an và BHXH Việt Nam kiểm tra tại tỉnh Bắc Giang - Ảnh: BHXH Việt Nam
Theo Trung tâm truyền thông Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, từ ngày 17 đến 18-10, đoàn công tác liên ngành Bộ Công an và BHXH Việt Nam đã kiểm tra tại Bắc Giang và Quảng Ninh.
Qua kiểm tra, đoàn nhận định việc xác định hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH, BHYT hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong phối hợp xử lý vi phạm đối với các đơn vị chậm, trốn đóng BHXH, BHYT.
Do đó, đoàn đề xuất Bộ Công an và BHXH Việt Nam thành lập tổ công tác chung thường xuyên xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm; tăng kiểm tra, rà soát việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH của các cơ sở khám chữa bệnh…
Ghi nhận ý kiến, thiếu tướng Trần Đình Chung - phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) đề nghị cơ quan BHXH cần thống kê chi tiết để lực lượng công an nhận diễn rõ hành vi vi phạm, từ đó triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý, răn đe hành vi chậm, trốn đóng BHXH kịp thời.
Còn ông Lê Hùng Sơn - phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - cho hay, thời gian tới, BHXH các tỉnh sẽ chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin với Công an địa phương để tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Thu nộp ngân sách 7.666 tỉ đồng từ 99.975 vụ buôn lậu, gian lận thương mại...
Lực lượng quản lý thị trường thường xuyên thu giữ lượng lớn hàng thời trang nhập lậu - Ảnh: T.Q.
Ngày 18-10, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã thông tin tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 99.975 vụ việc vi phạm (giảm 3,79% so với cùng kỳ 2021), trong đó: 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.866 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Cơ quan chức năng đã thu nộp ngân sách 7.666 tỉ đồng (tăng 1,5% so với cùng kỳ 2021), khởi tố 380 vụ và 472 đối tượng (giảm lần lượt 76,47% và 78,3% so với cùng kỳ 2021). Trong đó, riêng quý 3-2022, đã phát hiện, xử lý 42.776 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách 3.938 tỉ đồng (tăng hơn 58% so với cùng kỳ 2021).
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, dự báo tình hình buôn lâu, gian lận thương mại từ nay đến cuối năm có chiều hướng gia tăng. Do đó, ban đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ; xây dựng chương trình, kế hoạch cao điểm đấu tranh phòng buôn lậu, gian lận thương mại trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
TP.HCM xử phạt 9,6 tỉ đồng về vi phạm an toàn thực phẩm
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho hay 9 tháng đầu năm 2022, cơ quan này đã phát hiện, xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm, giá bán, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với 633 cơ sở, với tổng số tiền hơn 9,6 tỉ đồng.
Hiện TP.HCM mới chỉ đáp ứng đuợc khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Cụ thể, rau, củ, quả sản xuất tại thành phố chỉ đáp ứng được 30%; động vật sống khoảng 10%; thủy sản và sản phẩm thủy sản chỉ 15-20%.
Điều chỉnh giao thông nhiều đường ở Bình Thạnh
Giao thông trên nhiều tuyến đường ở Bình Thạnh sẽ được tổ chức lại - Ảnh: LƯU DUYÊN
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa chấp thuận phương án tổ chức giao thông trên địa bàn quận Bình Thạnh theo đề xuất của quận này và Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đó, tại giao lộ đường D2 nối dài - đường Ung Văn Khiêm: cấm xe ô tô rẽ trái từ đường D2 nối dài vào đường Ung Văn Khiêm trong khung giờ 6h30-8h30 và 16h-19h.
Trên đường D2 nối dài (đoạn từ đường Ung Văn Khiêm đến Hẻm 860 Xô Viết Nghệ Tĩnh): cấm các loại xe có trọng tải toàn bộ xe trên 5 tấn.
Tại giao lộ đường Bùi Đình Túy - đường Nguyễn Thiện Thuật: cấm xe ô tô từ đường Bùi Đình Túy rẽ vào đường Nguyễn Thiện Thuật theo cả hai hướng từ 16h-19h.
Trên đường Lương Ngọc Quyến (đoạn từ đường Bình Lợi đến đường Nguyễn Xí): cấm các loại xe có trọng tải toàn bộ xe trên 5 tấn.
Sở Giao thông vận tải đề nghị quận Bình Thạnh chỉ đạo đơn vị liên quan triển khai công tác lắp đặt hệ thống báo hiệu theo phương án được sở thông qua và treo băng rôn, thông báo trước 7 ngày để người dân biết.
TP.HCM họp về pháp lý các khu đất thanh toán cho dự án ngăn triều 10.000 tỉ
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Dự kiến cuối tuần này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ họp theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi về việc rà soát cơ sở pháp lý, giá trị các khu đất đảm bảo thanh toán theo Hợp đồng BT dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Trước đó Tổ đàm phán (gồm Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Ban hạ tầng đô thị, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Trung tâm Phát triển quỹ đất và chủ đầu tư Công ty Trung Nam) phụ lục hợp đồng BT dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1 - dự án chống ngập 10.000 tỉ) vừa đưa ra phương án thanh toán quỹ đất để công trình này về đích đúng hạn.
Trước đây quỹ đất thanh toán theo hợp đồng BT ký kết giữa chủ đầu tư và TP vào năm 2016 gồm 7 khu đất. Nay theo thỏa thuận mới điều chỉnh quỹ đất thanh toán sẽ còn 5 khu đất, với tổng giá trị khoảng 1.600 tỉ (giảm số khu đất nhưng tăng diện tích và giữ nguyên giá trị).
8 địa điểm sàng lọc sớm ung thư vú miễn phí
Năm bệnh viện gồm: K, Bạch Mai, Ung bướu Hà Nội, Chợ Rẫy và Ung bướu TP.HCM và 3 điểm cộng đồng tham gia chương trình thường niên nhằm sàng lọc sớm để phát hiện bệnh ung thư vú, kéo dài từ 18-10 đến 20-11. Phụ nữ tham gia chương trình sẽ được khám lâm sàng, chụp nhũ ảnh và siêu âm để sàng lọc, tất cả đều miễn phí.
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới tại Việt Nam, mỗi năm gần đây ghi nhận trên 21.000 ca mắc mới (chiếm xấp xỉ 12%/tổng số ca ung thư phát hiện trong năm), tuy nhiên đây là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp.
Từ năm 2013, chương trình sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú đã được Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) và Roche phối hợp triển khai. Ngoài sàng lọc phát hiện bệnh sớm, chiến dịch này còn góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ về căn bệnh ung thư vú.
Cả nước ghi nhận thêm 622 ca COVID-19 mới
Bộ Y tế cho biết trong ngày 18-10 ghi nhận thêm 622 ca mắc COVID-19 mới; có 359 bệnh nhân khỏi và 1 trường hợp tại Bình Thuận tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.493.894 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 10.599.560 ca được điều trị khỏi. Hiện cả nước còn 55 ca bệnh nặng phải thở ô xy.
TTO - Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết có 10 tỉnh thành nhận vượt trên 5.000 biên chế công chức, làm quỹ lương tăng 859 tỉ; Doanh nghiệp Việt bị đánh cắp mật khẩu nhiều nhất Đông Nam Á; Đề nghị tăng lương cơ sở từ 1-7-2023... là tin đáng chú ý.