Mỹ tăng ngân sách quốc phòng, khai thác mỏ dầu mới
* Mỹ đề xuất ngân sách quốc phòng cao kỷ lục. Ngày 13-3, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đề xuất ngân sách 842 tỉ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2023 và tăng 13,4% so với năm tài khóa 2022.
Ngân sách quốc phòng nằm trong gói chi tiêu 886 tỉ USD được chính quyền Tổng thống Joe Biden gửi đến Quốc hội Mỹ cuối tuần trước.
Đây cũng là lần đầu Bộ Quốc phòng Mỹ đặt mua tên lửa và nhiều loại đạn theo hợp đồng nhiều năm, vốn trước đây chỉ áp dụng với các thương vụ mua máy bay và tàu chiến. Theo Hãng tin Reuters, quân đội Mỹ đang cần bổ sung kho dự trữ sau nỗ lực viện trợ cho Ukraine.
Mỹ sẽ chi 145 tỉ USD để nghiên cứu và phát triển vũ khí mới như tên lửa siêu vượt âm. Chính quyền ông Biden cũng thúc đẩy tiến độ mua tiêm kích tàng hình F-35, dự kiến đặt mua 83 máy bay, mua tên lửa đối đất tầm xa JASSM-ER và đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM.
* Mỹ thông qua dự án khai thác dầu mỏ gây tranh cãi ở Alaska. Ngày 13-3, Mỹ đã phê duyệt một dự án khoan dầu lớn và gây tranh cãi ở bang Alaska.
Bộ Nội vụ Mỹ đã cho phép triển khai hoạt động khoan dầu tại 3 địa điểm ở Tây Bắc Alaska, trong khuôn khổ dự án Willow do Tập đoàn năng lượng ConocoPhillips thực hiện.
Dự án này được công bố vào tháng 1-2017, nằm trong Khu dự trữ dầu khí quốc gia Alaska có diện tích 93 triệu ha ở khu vực North Slope.
ConocoPhillips cho biết tổng sản lượng dầu dự kiến đạt khoảng 600 triệu thùng trong suốt vòng đời của dự án, với sản lượng theo ngày đạt mức cao nhất là 180.000 thùng.
* Mỹ muốn thiết lập liên lạc thường xuyên với Trung Quốc.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết nước này muốn thiết lập liên lạc thường xuyên với Trung Quốc và Tổng thống Joe Biden dự kiến điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình sau kỳ họp lưỡng hội ở Bắc Kinh.
Kỳ bế mạc kỳ họp lưỡng hội ở Trung Quốc vào ngày 13-3 diễn ra trùng với thời điểm Mỹ và các đồng minh Úc, Anh công bố AUKUS, nhằm cung cấp cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
AUKUS nhằm ứng phó với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Bắc Kinh đã lên án đây là động thái phổ biến vũ khí hạt nhân bất hợp pháp.
"Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc có các mô hình liên lạc thường xuyên ở cấp cao", ông Sullivan kêu gọi.
Theo tờ Wall Street Journal, ông Tập Cận Bình có kế hoạch nói chuyện với Tổng thống Ukraine Zelensky. Cuộc nói chuyện này có thể diễn ra sau chuyến thăm của ông Tập tới Matxcơva vào tuần tới để gặp Tổng thống Nga Putin.
Ông Sullivan cho hay Washington khuyến khích ông Tập nói chuyện với ông Zelensky để có quan điểm đa dạng về cuộc xung đột. Phía Ukraine chưa xác nhận cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo này.
* Boeing dự kiến bán 78 máy bay 787 Dreamliner cho 2 hãng hàng không Saudi Arabia. Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin giá niêm yết của 78 chiếc máy bay là gần 37 tỉ USD, tuy nhiên các hãng hàng không thường được giảm giá khi mua.
Hãng bay mới này dự kiến bổ sung 20 tỉ USD vào tăng trưởng GDP phi dầu mỏ của Saudi Arabia và tạo ra hơn 200.000 việc làm cả trực tiếp và gián tiếp.
* Oscar tăng 12% lượt xem tại Mỹ so với năm ngoái. Theo dữ liệu của Đài ABC, chương trình truyền hình trực tiếp lễ trao giải Oscar ngày 12-3 đã thu hút khoảng 18,7 triệu khán giả màn ảnh nhỏ tại Mỹ.
Lượng khán giả đã tăng 12% so với năm ngoái, với 16,7 triệu người xem. Trong lễ trao giải 2022, Will Smith đã tát người dẫn chương trình Chris Rock trước khi giành giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Úc bội chi cho tàu ngầm
* Úc tốn 245 tỉ USD cho chương trình tàu ngầm. Ngày 14-3, một quan chức quốc phòng Úc nói với Hãng tin Reuters rằng chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Úc cùng với Mỹ và Anh sẽ tiêu tốn của nước này 245 tỉ USD.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tiết lộ chi tiết về kế hoạch cung cấp cho Úc các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, bước quan trọng để ứng phó với tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Albanese cho biết chương trình này sẽ mang lại khoản đầu tư 4 tỉ USD cho ngành công nghiệp Úc trong 4 năm tới.
Khoản đầu tư của Chính phủ Úc cho chương trình này chiếm khoảng 0,15% GDP mỗi năm, đồng thời tạo ra khoảng 20.000 việc làm trong 30 năm tới.
Tàu ngầm sẽ được đóng tại bang Nam Úc. Chính phủ nước này sẽ chi 2 tỉ USD cải thiện cơ sở hạ tầng tại bang.
Ông Zelensky hé lộ tương lai Ukraine
* Tương lai Ukraine phụ thuộc vào kết quả chiến sự phía Đông. Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng tương lai của đất nước phụ thuộc vào kết quả của các trận chiến ở phía Đông.
"Tình hình rất khó khăn ở phía Đông. Chúng ta phải tiêu diệt sức mạnh quân sự của kẻ thù và chúng ta sẽ làm được - ông Zelensky nói trong bài phát biểu qua video - Bilohorivka và Marinka, Avdiivka và Bakhmut, Vuhledar và Kamyanka, là nơi đang quyết định tương lai chúng ta".
* Binh sĩ Ukraine hoàn thành huấn luyện xe tăng ở Tây Ban Nha. Ngày 13-3, hàng chục binh sĩ Ukraine đã kết thúc khóa huấn luyện kéo dài 4 tuần ở Tây Ban Nha về cách vận hành xe tăng Leopard 2A4.
Tổng cộng 40 thành viên kíp xe và 15 chuyên gia cơ khí đã trải qua huấn luyện tại căn cứ quân sự ở thành phố Zaragoza, đông bắc Tây Ban Nha.
Đại úy Contreras, người trực tiếp huấn luyện, cho biết binh sĩ Ukraine sẽ trở về nhà "với kiến thức ổn" về xe tăng Leopard.
"Mặc dù các xe tăng có khác nhau, nhưng có nhiều hệ thống trùng khớp và điều đó khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Thêm vào đó, cùng với động lực và mong muốn học hỏi của họ, chúng tôi thấy họ đã chuẩn bị rất tốt để tiếp tục chiến đấu", đại úy Contreras nói.
Tháng trước, Tây Ban Nha cho biết họ có kế hoạch gửi 6 xe tăng Leopard 2A4 do Đức sản xuất tới Ukraine sau khi chúng được sửa chữa, con số này có thể tăng lên 10 chiếc.
Các quốc gia NATO khác, bao gồm Đức, Ba Lan và Bồ Đào Nha, cho biết họ sẽ cung cấp tổng cộng 48 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.
Paris nhìn quá lạ
Tổng thống Ukraine nói hơn 1.100 binh sĩ Nga tử trận ở Bakhmut; 8 người chết sau khi 2 tàu lật ngoài khơi California... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 13-3.