Chốt phiên giao dịch 13/3, giá vàng thế giới giao ngay tăng 46 USD, lên 1.913 USD một ounce. Đây là mức cao nhất kể từ đầu tháng 2.
"Vàng đang đóng vai trò là công cụ trú ẩn", với sự hỗ trợ từ hoạt động mua vào đóng trạng thái bán khống, Bart Melek – Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities nhận xét. "Rất nhiều nhà đầu tư đã tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro và biến động. Giá USD cũng đang giảm, phần nào kéo vàng lên", Melek cho biết.
Nhà đầu tư hiện không còn dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) tuần tới nữa. Dự báo hiện tại của họ chỉ là 25 điểm cơ bản. Một số thậm chí kỳ vọng Fed giữ nguyên lãi suất. Điều này khiến vàng hấp dẫn hơn, do không trả lãi cố định.
"Tương lai của vàng phụ thuộc lớn vào hiệu quả từ các biện pháp của Fed. Nếu vụ sụp đổ Silicon Valley Bank được chứng minh chỉ là trường hợp đơn lẻ, giá có thể đi xuống", Alexander Zumpfe – chuyên viên giao dịch kim loại quý tại Heraeus cho biết, "Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng này khiến Fed phải đảo ngược chính sách, nhu cầu vàng sẽ tăng".
Các kim loại khác cũng tăng tương tự. Giá bạc phiên 13/3 lên 6,3%, platinum tăng 4% và palladium tăng 7,8%. Ngược lại, USD và lợi suất chính phủ Mỹ tiếp tục giảm bất chấp nỗ lực bình ổn của giới chức.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chủ chốt hôm qua giảm nhẹ. DJIA mất 0,28% về 31.819 điểm. Chỉ số này đã giảm 5 phiên liên tiếp. S&P 500 giảm 0,15% về 3.856 điểm. Nasdaq Composite mất 0,45%.
Nỗ lực của giới chức Mỹ cũng chưa thể chặn lại đà bán tháo cổ phiếu ngân hàng tại nước này. Các nhà băng lớn như JPMorgan Chase, Citigroup giảm lần lượt 1,8% và 7,45%. Cổ phiếu các ngân hàng địa phương lao dốc mạnh hơn, như First Republic mất 61%.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)