Ngày 14-3, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng đối với ông Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc Ngân hàng (NH) Đông Á - DAB), Phùng Ngọc Khánh (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C) cùng sáu đồng phạm.
Vay 1.680 tỉ đồng không cần công chứng
Trong ngày xét xử đầu tiên, nhiều tổ chức, cá nhân là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án vắng mặt. Các luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị xem xét triệu tập những người này vì có liên quan trực tiếp đến các khoản vay tại DAB.
HĐXX cho biết những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước đó đã triệu tập nhưng vắng mặt không lý do, trong quá trình điều tra đã có lời khai, ý kiến đầy đủ. Do đó, quá trình xét xử nếu cần thiết thì HĐXX sẽ triệu tập.
Cựu tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình tại tòa. Ảnh: HỮU ĐĂNG |
Là người được xét hỏi đầu tiên, bị cáo Phùng Ngọc Khánh cho biết để bảo đảm cho các khoản vay của nhóm năm công ty vay tiền tại DAB, bị cáo đã dùng 18 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đứng tên Công ty M&C) thế chấp vay 1.680 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện các thủ tục vay tiền, hai bên chỉ ký hợp đồng thế chấp, chưa làm thủ tục công chứng, chưa đăng ký giao dịch bảo đảm.
Tương tự, trả lời trước HĐXX, bị cáo Trần Phương Bình cũng thừa nhận trong hồ sơ thế chấp của năm công ty thuộc nhóm M&C, hai bên chỉ lập hợp đồng thế chấp và Công ty M&C giao 18 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình cho DAB làm tài sản bảo đảm.
Về nội dung này, HĐXX cho rằng việc thế chấp tài sản của các bị cáo là không đúng quy định của pháp luật về NH. Thực chất, NH chỉ giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty M&C mà chưa thực hiện các thủ tục như công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm.
Lý do DAB đứng ra bảo lãnh cho M&C
Liên quan đến chứng thư bảo lãnh và khoản vay 146 tỉ đồng của Công ty M&C tại DAB, bị cáo Trần Phương Bình khai nhận thời điểm xảy ra vụ án, DAB không đủ vốn để cho vay trung và dài hạn nên chỉ cho Công ty M&C vay ngắn hạn.
Tuy nhiên, sau khi cho vay và đến hạn trả nợ, Công ty M&C không có nguồn tiền để chi trả cho DAB nên đã đi vay tại NH An Bình bằng hình thức phát hành trái phiếu. Để có thể vay tiền ở NH An Bình bằng trái phiếu, DAB đã phát hành chứng thư bảo lãnh với trị giá 120 tỉ đồng.
Bị cáo Bình khai bản chất của việc phát hành chứng thư bảo lãnh cho Công ty M&C là để sau khi M&C vay được tiền từ NH An Bình thì DAB thu về được số tiền 120 tỉ đồng, qua đó kéo dài thời gian trả nợ cho Công ty M&C.
Đối với khoản vay 146 tỉ đồng DAB cho Công ty M&C vay, bị cáo Bình khai nhận do đang bảo lãnh cho Công ty M&C, để không ảnh hưởng đến uy tín của DAB nên đã chỉ đạo cho Công ty M&C vay bắt buộc 146 tỉ đồng để công ty này trả nợ gốc và lãi trái phiếu cho NH An Bình.
Tại tòa, các bị cáo khác nguyên là cán bộ tại DAB đều khai thực hiện theo chỉ đạo của ông Bình, bản thân không hưởng lợi từ các khoản vay.
Đây là vụ án thứ tư mà ông Bình bị truy tố và đưa ra xét xử. Trong ba vụ án trước, cựu tổng giám đốc DAB đều liên quan đến sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của DAB và đang phải thi hành hình phạt chung là tù chung thân (hai bản án tù chung thân và một bản án 10 năm tù).
DAB đề nghị kê biên, bán phát mại hơn 6,2 ha
và 2,615 triệu cổ phần
Với tư cách là bị hại trong vụ án, đại diện DAB yêu cầu ông Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc DAB), Phùng Ngọc Khánh (cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C) và các thành viên HĐQT của năm công ty thuộc nhóm M&C phải liên đới bồi thường cho DAB số tiền 5.364 tỉ đồng (trong đó có 1.680 tỉ đồng tiền gốc). Riêng khoản vay 146 tỉ đồng, đại diện DAB cũng yêu cầu buộc Công ty M&C phải bồi thường số tiền 491,023 tỉ đồng (trong đó có 146 tỉ đồng tiền gốc).
Ngoài ra, DAB cũng đề nghị HĐXX kê biên và phát mại toàn bộ 6,2 ha đất (thuộc dự án 7,6 ha ở phường An Phú, quận 2) và 2,615 triệu cổ phần thuộc sở hữu của Công ty M&C để khắc phục hậu quả cho DAB.