Theo ghi nhận từ các địa phương, ý kiến của nhân dân tập trung nhiều vào các vấn đề: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất; quy định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định về tài chính về đất đai, giá đất…
Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật quy định xây dựng bảng giá đất hằng năm như dự thảo là rất tốn kém, "vừa ban hành xong lại loay hoay làm bản mới", nên áp dụng như hiện nay 5 năm một lần. Cũng có ý kiến cho rằng 5 năm ban hành giá đất một lần là quá lâu. Bởi tới cuối kỳ, giá đất thị trường biến động lớn so với giá Nhà nước ban hành sẽ dẫn tới giá trị đền bù có độ vênh rất lớn, dễ phát sinh khiếu kiện. Vì vậy, nên xem xét điều chỉnh thời gian ban hành bảng giá đất phù hợp hơn…
Người dân nhiều địa phương cũng nêu vấn đề cần cụ thể hóa nội dung người dân vùng dự án khi được tái định cư đến nơi ở mới có cuộc sống "bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ". Nên chăng đưa vào 3 tiêu chí để đánh giá so sánh như: hạ tầng kỹ thuật (giao thông); hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, các dịch vụ xã hội) và vệ sinh môi trường đảm bảo.
Kết luận tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định các đóng góp đều tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm, những nút thắt, hạn chế trong quá trình chuyển dịch đất đai trở thành nguồn lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lực lượng lao động.
Chỉ ra một số vấn đề đặc thù về lịch sử, điều kiện tự nhiên liên quan đến nguồn gốc hình thành, mối quan hệ đất đai…, Phó thủ tướng cho rằng cần hết sức sáng tạo để xây dựng được một chính sách đất đai hài hòa, phù hợp với tất cả các khu vực khác trên cả nước.