Sợi Thế Kỷ sẽ nâng công suất lên gấp đôi
Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã chứng khoán STK) vừa công bố thông tin về việc công ty con là Công ty TNHH Sợi, Dệt, Nhuộm Unitex (Unitex) đã ký kết thành công khoản vay hợp vốn với tổng giá trị 52,5 triệu USD, tương đương gần 1.233 tỷ đồng.
Khoản vay hợp vốn này được hợp tác và tài trợ từ 5 ngân hàng nước ngoài tại châu Á, bao gồm CTBC Bank, Kasikorn Bank, Shanghai Commercial and Savings Bank (Offshore Banking Branch), Entie Commercial Bank, E.SUN Commercial Bank.
Việc có thể tiếp cận nguồn vốn nước ngoài trong bối cảnh hiện nay (lãi suất tăng, điều kiện giải ngân chặt chẽ…) cho thấy, uy tín, vị thế và định mức tín nhiệm của Sợi Thế Kỷ (sở hữu 100% Unitex và là bên bảo lãnh khoản vay trên) với các tổ chức tín dụng nước ngoài được đánh giá tốt, mở ra cơ hội cho Công ty tiếp cận nguồn vốn quốc tế nhiều hơn cho các dự án trong tương lai.
Với nguồn vốn vay tài chính mới, Sợi Thế Kỷ sẽ có đủ nguồn lực để nâng cao năng lực sản xuất, thông qua nhà máy mới là Unitex.
Nhà máy Unitex có công suất 60.000 tấn sợi/năm (giai đoạn 1 là 34.000 tấn/năm, giai đoạn 2 là 24.000 tấn/năm). Hiện tại, nhà máy đã triển khai công tác xây dựng và dự kiến hoàn thành lắp đặt máy móc, đưa vào hoạt động chính thức giai đoạn 1 trong quý I/2024.
Ông Đặng Triệu Hoà, Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ cho biết, Nhà máy Unitex được đầu tư với công nghệ tiến tiến nhất, sẽ nâng tổng công suất của Công ty lên gấp đôi so với các nhà máy hiện hữu (nhà máy Củ Chi và Trảng Bàng). Dự án sẽ tập trung sản xuất và cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, sợi Recycle có các tính năng đặc biệt và các loại sợi có giá trị gia tăng khác cho các khách hàng thương hiệu.
Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, khi dự án Unitex hoàn thành, Sợi Thế Kỷ sẽ trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ hai tại Việt Nam vào năm 2025.
Nông nghiệp BAF Việt Nam đẩy mạnh các kế hoạch đầu tư
Ông Nguyễn Văn Phú, Tổng giám đốc Siba Holding, cổ đông lớn của Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã chứng khoán BAF) chia sẻ, trong bối cảnh lãi suất cao, các kế hoạch đầu tư mở rộng và M&A trong lĩnh vực chăn nuôi lợn vẫn được tiến hành.
Sắp tới, Nông nghiệp BAF Việt Nam sẽ thực hiện M&A một nhà máy cám và tiếp tục M&A doanh nghiệp chăn nuôi lợn. Về lâu dài, lợi thế của Công ty là quy mô đàn lợn tăng nhanh và chuỗi siêu thị Siba Food.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nhiều lĩnh vực cả về thị trường và nguồn vốn, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính có nhiều cơ hội thực hiện M&A.
Trong năm 2022, Nông nghiệp BAF Việt Nam đã đầu tư thêm 7 trang trại tại Tây Ninh và Phú Yên, nâng tổng số lên 22 trang trại, quy mô đàn lợn đạt 200.000 con, tăng 57% so với năm 2021. Mục tiêu của doanh nghiệp là nâng số lượng trang trại lên con số 100 vào năm 2025.
Tính đến cuối năm 2022, Nông nghiệp BAF Việt Nam có 18 công ty con, gồm 16 công ty chăn nuôi (tăng 4 công ty so với năm 2021), 1 công ty giết mổ và chế biến thịt, 1 công ty bán lẻ. Hiện doanh nghiệp có nhiều trang trại đang xây dựng và nhiều quỹ đất chưa khởi công.
Nói về nguồn vốn năm nay, ông Phú cho hay, lĩnh vực kinh doanh của Nông nghiệp BAF Việt Nam có đặc thù thịt lợn là mặt hàng thiết yếu, lúc nào cũng có nhu cầu, nên Công ty vẫn bán được hàng, dòng tiền không bị khô cạn. Dĩ nhiên, khi lãi suất biến động sẽ tác động lên lợi nhuận doanh nghiệp, lãi nhiều lên hay ít đi, nhưng dòng tiền lúc nào cũng “thông”.
Đặc biệt, doanh nghiệp sắp có thêm nguồn vốn huy động từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), trị giá khoảng 39 triệu USD, thông qua mua 300 tỷ đồng trái phiếu thường và tối đa 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Gói tài trợ vốn từ IFC sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng các trang trại chăn nuôi, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, nhà máy giết mổ, chế biến thịt sạch.
Hóa chất Đức Giang muốn thâu tóm TSB
Công ty cổ phần Tập đoàn hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán DGC) đã có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc sẽ mua 51% cổ phần Công ty cổ phần Ắc quy Tia Sáng (mã chứng khoán TSB), tương đương 3,4 triệu cổ phiếu, với giá mua không quá 39.200 đồng/cổ phiếu.
Ắc quy Tia Sáng tiền thân là Nhà máy Ắc quy Tam Bạc được thành lập năm 1960, đến năm 2004 được cổ phần hóa. Năm 2022, Công ty đạt doanh thu 183 tỷ đồng, tăng 1,4% và lãi sau thuế 3,46 tỷ đồng, giảm gần 25% so với năm 2021.
Tính đến cuối năm 2022, Hóa chất Đức Giang có 467 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, giảm 45,5% so với đầu năm. Trong khi đó, lượng tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm tăng mạnh lên hơn 9.000 tỷ đồng, gấp 2,4 lần đầu kỳ (nhờ lãi cao kỷ lục trong năm 2021).
Theo đó, Hóa chất Đức Giang được đánh giá là doanh nghiệp có sức chống chọi trước các biến động vĩ mô như lãi suất tăng, thiếu hụt thanh khoản, đồng thời có khả năng chủ động thực hiện các kế hoạch đầu tư, cũng như M&A các doanh nghiệp để củng cố hệ sinh thái (hiện Công ty có 7 công ty con).
Biwase mở rộng lĩnh vực cấp nước
Lãnh đạo Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã chứng khoán BWE) chia sẻ, kế hoạch mở rộng lĩnh vực cấp nước luôn nằm trong định hướng chiến lược của Công ty, tập trung vào hoạt động cốt lõi, không đầu tư ngoài ngành. Nguồn vốn cơ bản để thực hiện các kế hoạch này đến từ lợi nhuận tích lũy trong nhiều năm qua và nguồn vốn vay nước ngoài với chi phí hợp lý.
Bối cảnh huy động vốn của nhiều doanh nghiệp gặp thách thức, hoặc các doanh nghiệp cùng ngành gặp khó khăn về tài chính, cũng tạo thêm cơ hội để Biwase thực hiện chiến lược mở rộng lĩnh vực hoạt động. Công ty sẽ mua từ 50 - 100% cổ phần của 3 công ty nằm trong hệ sinh thái DNP Holding gồm Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An, Công ty cổ phần Công trình Đô thị Châu Thành, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình; bên cạnh đó, mua cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Công trình Đô thị Cần Giuộc, Công ty cổ phần Nước và Môi trường Bằng Tâm.
Ngay cả lĩnh vực tài chính - chứng khoán tưởng như đang rất khó khăn, theo nguồn tin của của Đầu tư Chứng khoán, mới đây, một công ty chứng khoán đã quyết định mua lại Công ty Quản lý quỹ Tân Việt, mục tiêu hướng đến phân phối các sản phẩm đầu tư. Theo đó, ngoài việc hợp tác với kênh phân phối ngân hàng, việc có thêm một công ty quản lý quỹ sẽ giúp công ty chứng khoán này thuận lợi hơn cho định hướng phát triển đó.