Lãi suất huy động giảm và bối cảnh khó cho vay
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc một công ty thủy sản ở Đồng Nai cho biết, mặt hàng xuất khẩu vẫn trong bối cảnh chung là giảm, dù không còn quá khó khăn như trong giai đoạn dịch Covid-19. Tiêu thụ hàng trong nước thì túc tắc, nhưng không thể được như 3 năm trước, khi chưa xuất hiện đại dịch.
“Tôi có nhu cầu về vốn nhưng ít nên mượn người thân quen, chứ không vay ngân hàng. Quan trọng hơn cả, bối cảnh hiện nay không thể nói trước được điều gì, nên doanh nghiệp không tính đến mở rộng quy mô và không tính đến vay vốn ngân hàng”, vị giám đốc công ty thủy sản nói.
Theo vị giám đốc này, tại không ít khu công nghiệp ở Đồng Nai, nhóm hàng xuất khẩu và hàng phụ trợ là bi đát nhất, công nhân nghỉ việc gần hết. Không phải lãi suất cao hay thấp, doanh nghiệp tiếp cận được vốn hay không, mà là những khó khăn của kinh tế - xã hội không lường đoán được, nên giải pháp của các doanh nghiệp là cố gắng chờ đợi.
Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp sản xuất bao bì ở Đồng Nai chia sẻ, sau khi khu vực tài chính và bất động sản gặp khó khăn, thì bây giờ đến lượt khu vực sản xuất, nhìn chung đang yếu dần, với doanh số chậm và doanh thu giảm. Hiện các ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, nhưng doanh nghiệp ông vẫn phải vay với lãi cao. Lý do là bởi, bên cạnh việc doanh thu giảm, doanh nghiệp bị hạ xếp hạng, thì ông còn vướng câu chuyện nợ chậm trả.
“Để hưởng một số ưu đãi khi mua nhà của một dự án bất động sản, tôi đã đứng tên vay tiền ngân hàng cho công ty này. Hiện công ty bất động sản không có khả năng trả tiền gốc và lãi cho ngân hàng nên không loại trừ khả năng tôi bị chuyển nhóm nợ và thông tin này được đưa lên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Dù món vay là của cá nhân, nhưng đồng thời là chủ doanh nghiệp nên doanh nghiệp vay vốn ngân hàng sẽ phải chịu lãi suất cao do xếp hạng doanh nghiệp giảm”, vị chủ tịch doanh nghiệp sản xuất bao bì nói.
Trong một diễn biến có liên quan, cuối tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã cấp hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng năm 2023 tới các ngân hàng. Đầu tháng 3, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với kỳ hạn huy động 6 - 12 tháng, còn các ngân hàng thương mại cổ phần có mức giảm lãi suất là 0,5%/năm.
Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho hay, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế) hiện giảm 0,3 - 0,9%/năm so với 1 tháng trước. Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank, OCB, MSB, SCB, Bắc Á Bank, Sacombank liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn. Trong khi đó, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước đã đồng thuận giảm lãi suất huy động tối đa xuống 8,7%/năm đối với khách hàng cá nhân và 8,5%/năm đối với khách hàng tổ chức. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần nhìn chung vẫn duy trì ở mức cao hơn so với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối từ 0,4 - 2,0%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Vị lãnh đạo BIDV nhìn nhận, đà giảm của lãi suất huy động trên thị trường 1 được dẫn dắt bởi 2 yếu tố chính:
Thứ nhất, từ phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát đi thông điệp yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng đang đối mặt với không ít khó khăn.
Thứ hai, về tương quan huy động vốn - tín dụng, theo số liệu công bố bởi Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 28/2/2023 vẫn khá chậm chạp, chỉ đạt 0,77%, thấp hơn nhiều so với mức 2,65% của cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn có dấu hiệu tích cực hơn trong tháng 2/2023, góp phần cải thiện tình trạng chênh lệch huy động vốn - tín dụng.
“Cân đối huy động vốn - tín dụng dự kiến sẽ duy trì ổn định trong tháng 3/2023 khi tăng trưởng tín dụng có xu hướng tích cực hơn, nhưng cũng chỉ ở mức tương đương so với tăng trưởng huy động vốn (ước khoảng 2%)”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.
“Bóng ma” nợ xấu đè nặng
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tính đến ngày 28/2/2023 chỉ đạt 0,77%, thấp hơn nhiều so với mức 2,65% của cùng kỳ năm 2022.
Trong một tương quan khác, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết, hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng giai đoạn đầu năm 2023 khá khó khăn. Thậm chí, một vài ngân hàng có vốn nhà nước chi phối vẫn có mức tăng trưởng tín dụng âm tính đến thời điểm hiện tại. Điều này có nghĩa, tiền “đọng” trong hệ thống ngân hàng và các ngân hàng đang phải gánh chi phí cao. Nhưng nếu hạ lãi suất huy động xuống thấp hơn, không loại trừ tiền gửi tiết kiệm lại “chạy” ra khỏi ngân hàng.
“Bài học thanh khoản của hệ thống thời điểm cuối năm 2022 vẫn còn đó nên không thể chủ quan”, vị phó tổng giám đốc nhấn mạnh.
Quay lại bối cảnh năm 2022, cung tiền M2 tính đến cuối tháng 11/2022 tăng 3,6% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng 14,8%, cho thấy áp lực về thanh khoản và tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động (LDR) của các ngân hàng đều tăng đáng kể so với năm 2021.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận xét, căng thẳng này đã phần nào dịu bớt kể từ đầu năm 2023 khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt, tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản qua việc tích cực mua ngoại tệ.
“Chúng tôi ước tính, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 3,6 tỷ USD từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 2. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất (huy động) đã giảm đáng kể so với mức đỉnh”, bà Hiền nói.
Liên quan đến vấn đề hạ lãi suất cho vay, room tín dụng năm 2023 đã được cấp cho các ngân hàng, huy động vốn tích cực hơn, nhưng tại sao nhiều doanh nghiệp không vay được vốn, hoặc phải vay với lãi suất cao?
“Các trường hợp không cho doanh nghiệp vay bởi dự án được đánh giá là rủi ro cao, hoặc doanh nghiệp bị hạ xếp hạng đánh giá từ chính các ngân hàng, hay doanh nghiệp bị chuyển nhóm nợ và thông tin được chuyển lên CIC. Ngân hàng không thể hạ chuẩn khi cho vay, bởi cuối cùng thì rủi ro quay trở lại ngân hàng và ngân hàng phải gánh chịu”, vị phó tổng giám đốc trên nêu quan điểm.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận: “Vấn đề của năm 2023 là làm thế nào để không phát sinh nợ xấu”.
Theo vị tổng giám đốc, tăng trưởng tín dụng năm 2023 dự báo sẽ chậm lại, đạt khoảng 12%. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, “bóng ma” lạm phát vẫn còn, dẫn đến rủi ro tăng và nợ xấu tăng. Theo đó, ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro, dẫn đến chi phí đầu vào tăng, khiến lãi suất cho vay buộc phải tăng.
Đồng quan điểm về áp lực gia tăng trích lập dự phòng đang hiện hữu, bà Hiền nhận định: “Tỷ lệ chi phí tín dụng trung bình của 25 ngân hàng niêm yết đã giảm về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng trở lại từ quý IV/2022 và tôi cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2023 - 2024 trước bối cảnh rủi ro nợ xấu gia tăng”.