Đây là khẳng định của ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND Q.1 với PV Thanh Niên sau bài phản ánh tình trạng hàng rong bát nháo, hỗn loạn tại khu vực công viên bến Bạch Đằng, P.Bến Nghé (địa bàn trung tâm nhất của TP.HCM).
Gần 1 tháng trước, Thường trực UBND Q.1 đã có cuộc họp để chấn chỉnh tình hình trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông trên địa bàn. Ông Lê Đức Thanh cho biết, các lực lượng và tổ dân phố, bảo vệ dân phố, trật tự đô thị, công an của P.Bến Nghé tăng cường xử lý hàng rong, xe đẩy lấn chiếm công viên bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ và đã có chuyển biến bước đầu.
"Đúng như báo chí phản ánh, ở một số thời điểm, sự chuyển biến chưa rõ nét. Anh em thường xuyên xử lý nhưng ngơi tay một chút thì hàng rong lại tràn ra, tái lấn chiếm", ông Thanh nhận định.
Chủ tịch UBND Q.1 cho biết đã chỉ yêu cầu P.Bến Nghé tăng tần suất kiểm tra dày hơn, không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở nữa mà phải xử lý nghiêm, nhất là những trường hợp đã nhắc nhở mà tiếp tục không chấp hành.
Về giải pháp căn cơ, Đảng ủy P.Bến Nghé cần có nghị quyết riêng để đưa ra các giải pháp trọng tâm, huy động lực lượng của phường tham gia vào giải quyết hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt là phải tập trung những vị trí thường xuyên tụ tập, vi phạm trật tự đô thị, bán hàng rong.
"Từ nay tới 30.4, phường phải huy động lực lượng tại chỗ, đội trật tự đô thị quận, cần thiết thì báo cáo công an quận tăng cường lực lượng để xử lý. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu hàng rong, xe đẩy vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè nhưng không có sự chuyển biến", ông Thanh khẳng định.
Sau bài phản ánh Hàng rong hỗn loạn ngay bến Bạch Đằng trung tâm TP.HCM đăng ngày 14.3, PV Thanh Niên đã liên hệ ông Lê Nguyễn Việt Nam, Phó chủ tịch UBND P.Bến Nghé (Q.1) để trao đổi về giải pháp chấn chỉnh. Tuy nhiên, ông Nam từ chối trả lời và đề nghị gửi câu hỏi để xin ý kiến chỉ đạo của UBND Q.1 rồi mới phản hồi.
Ghi nhận lúc 21 giờ ngày 14.3, những người bán hàng rong không còn chèo kéo hay bày biện bàn ghế lấn chiếm công viên. Dù vậy, khi quay lại công viên vào lúc 23 giờ cùng ngày thì xe hàng rong "tái xuất" và tiếp tục chèo kéo khách.
Tình trạng hàng rong hỗn loạn ở công viên bến Bạch Đằng phát sinh từ tháng 3.2022, ngay khi công viên mệnh danh đẹp nhất TP.HCM được đưa vào phục vụ người dân và du khách.
Chính quyền địa phương dù tổ chức nhiều đợt cao điểm, ra quân tuyên truyền, xử phạt nhưng chưa tạo chuyển biến rõ nét. Mỗi khi các lực lượng ra quân thì hàng rong ngớt, lực lượng chức năng rời đi thì hàng rong lại tái lấn chiếm.
Các lãnh đạo cao nhất của TP.HCM không hài lòng trước tình trạng này, và giao Công an TP.HCM, UBND Q.1 phối hợp xử lý nghiêm trường hợp bán hàng rong, chèo kéo, tranh giành khách.
'Đầu tư nhiều tiền bạc nên nhất định phải giữ'
Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, việc giải quyết trật tự lòng đường, vỉa hè và sinh kế của người dân là bài toán khó, nhất là với đô thị lớn như TP.HCM.
Do vậy, chính quyền cần quy hoạch, xác định rõ những tuyến đường, khu vực được phép tổ chức bán hàng rong và những khu vực cấm tuyệt đối hàng rong như phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên bến Bạch Đằng... "Hai khu vực này đã được đầu tư nhiều tiền bạc, tạo khoảng xanh, làm nơi thư giãn cho người dân nên nhất định phải giữ", ông Thành nói.
Về việc xử lý, vị chuyên gia này cho rằng phải thực hiện quyết liệt, nếu thấy một trường hợp bày ra thì xử lý ngay, để tránh tình trạng thấy một người lấn chiếm mà không bị xử lý, thì những người khác sẽ ùa ra theo hiệu ứng đám đông.