Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, nếu không thuyết minh thuyết phục được về tính hiệu quả, minh bạch của Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì nên xem xét không tiếp tục duy trì |
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu
Sáng 15/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 21. Tại phiên họp, ông Nguyễn Phú Cường – Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội đã trình bày nột số vấn đề lớn và nội dung còn có kiến khác nhau về Dự án Luật giá (sửa đổi).
Trong đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhận được hai luồng ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu vì quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, cần có sự điều hành của Nhà nước.
“Khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài; khi lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng thì việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp”, ông Nguyễn Phú Cường nói.
Cũng theo báo cáo, thực tế thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định làm rõ tính chất hoạt động có thời hạn, Chính phủ chịu trách nhiệm công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng Quỹ.
Trái ngược lại, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nguyên nhân, đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành, chưa có quy định về thời hạn hoạt động của Quỹ.
“Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, việc lập quỹ là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất. Trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, phí hoặc hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao”, báo cáo nêu.
Giá xăng cao đỉnh điểm, Quỹ bình ổn không tác động gì?
Chủ nhiệm ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu bất cập khi duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại phiên họp sáng 15/3 |
Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại phiên giải trình vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa đảm bảo đúng mục đích.
Ông dẫn chứng, qua theo dõi hoạt động của quỹ này thì ngày 21/6/2022 giá xăng dầu cao đỉnh điểm nhưng quỹ không tác động gì. Thường trực Ủy ban Kinh tế có hai luồng ý kiến có nên giữ lại quỹ hay không. Theo ông, đây là vấn đề hết sức trăn trở, nếu giữ lại quỹ thì phải hoàn thiện cơ chế quản lý hiệu quả hơn.
Báo cáo về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Quỹ bình ổn giá xăng dầu làm nhiệm vụ giảm tăng giá để giảm sốc, là công cụ của cơ quan Nhà nước, nếu bỏ thì ít công cụ tác động. Cần tiếp tục duy trì nhưng sẽ kiểm tra, đánh giá để quỹ hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.
Kết luận nội dung thảo luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Vì đây là một loại quỹ bình ổn giá nên phải tuân thủ nguyên tắc của Quỹ bình ổn giá, điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả thực sự có tác dụng trong bình ổn giá xăng dầu. Trường hợp không thuyết minh thuyết phục, ông đề nghị cần phải xem xét phương án không duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Minh Quang