Trả lời cổ đông tại phiên họp thường niên tổ chức sáng 15/3, Chủ tịch HĐQT ngân hàng VIB (mã chứng khoán: VIB) Đặng Khắc Vỹ cho hay 2022 là năm khó khăn và năm nay có thể còn khó hơn nữa đối với thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Vỹ cam đoan với cổ đông chất lượng tín dụng, tài sản của ngân hàng rất tốt, không chịu nhiều ảnh hưởng từ bối cảnh thách thức chung hiện nay.
Chủ tịch VIB cho biết hiện giá trị trái phiếu ngân hàng này nắm giữ chỉ 1.800 tỷ đồng, con số rất nhỏ trên tổng dư nợ hơn 230.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản trái phiếu này do các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, định chế tài chính phát hành, không liên quan đến ngành bất động sản.
Đối với hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản, ông Vỹ thông tin dư nợ hiện tại cũng chỉ khoảng 3.800 tỷ đồng, con số rất nhỏ trên tổng quy mô tín dụng của ngân hàng, đồng thời cũng thấp hơn nhiều so với những nhà băng khác. Danh mục khách hàng chủ yếu là các chủ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
"Có thể nói dư nợ trái phiếu, cho vay bất động sản của chúng ta thuộc nhóm thấp nhất ngành, đó là tín hiệu tốt về sự an toàn", Chủ tịch VIB nói với cổ đông.
Ông cũng nói thêm hơn 90% dư nợ của ngân hàng thuộc lĩnh vực bán lẻ. Trong số này, có hơn 90% các khoản vay có tài sản bảo đảm, phân nửa trong đó là bất động sản.
Ông Vỹ cho biết ngân hàng có nguyên tắc đánh giá tài sản đảm bảo rất chặt chẽ, chỉ nhận thế chấp các bất động sản đầy đủ pháp lý, đã có sổ đỏ, sổ hồng chính chủ, không nhận thế chấp bất động sản ở khu vực biển đảo, condotel, nhà ở hình thành trong tương lai đang triển khai.
Tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo bình quân hiện nay chỉ ở mức 43%. Do đó, ông Vỹ tự tin nếu giá bất động sản trên thị trường thậm chí giảm 57%, các tài sản đảm bảo của ngân hàng vẫn an toàn, còn mức giảm khoảng 30% không có gì phải lo.
Ông Vỹ cũng nói thêm ngân hàng đang có khoảng 270.000 hợp đồng tín dụng trên dư nợ hơn 210.000 tỷ đồng bán lẻ, đồng nghĩa với giá trị bình quân của mỗi khoản vay tại VIB hiện nay chỉ khoảng 750 triệu đồng. Với giá trị khoản vay bình quân nhỏ, cộng với chính sách thẩm định tài sản đảm bảo chặt chẽ, ông cho rằng cổ đông có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng tín dụng của ngân hàng.
"Nợ xấu có tăng, có giảm nhưng không quan trọng vì chúng ta chưa bao giờ mất vốn vì vấn đề nợ xấu, đều thu hồi lại được 105% giá trị cho vay ban đầu", ông Vỹ nói chắc nịch với cổ đông.
Cũng theo ông, số liệu của các ngân hàng bán lẻ sẽ phản ánh biến động tức thì như nợ xấu tăng lên giai đoạn đại dịch rồi sau đó sẽ giảm ngay khi thị trường ổn định. Ngược lại, ngân hàng cho vay doanh nghiệp có thể tái cấu trúc các khoản vay của khách hàng lớn, số liệu trên bề mặt vẫn đẹp nhưng bên dưới là nguy cơ nợ xấu rất lớn tiềm tàng. "Chúng ta không có cơn đau đầu như vậy", ông Vỹ tự tin.
Năm nay, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 12.200 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2022. Tổng tài sản của ngân hàng dự kiến tăng 25%, đạt 428.500 tỷ đồng vào cuối năm nay.
Ngân hàng cũng đặt mục tiêu huy động vốn tăng 26%, dư nợ tín dụng tăng 25%. Riêng chỉ tiêu cho vay có thể được điều chỉnh theo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Đại hội cổ đông VIB cũng bầu HĐQT nhiệm kỳ mới của ngân hàng này gồm các ông Đặng Khắc Vỹ, Đặng Văn Sơn, Đỗ Xuân Hoàng, Hàn Ngọc Vũ, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh. Trong đó, bà Hạnh là thành viên độc lập, cũng là thành viên mới duy nhất trong HĐQT ngân hàng này.
Tháng 3 vừa qua, VIB đã chi hơn 2.100 tỷ đồng tạm ứng cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Sắp tới, ngân hàng này sẽ chi trả thêm 5% cổ tức tiền mặt cho cổ đông, tương ứng hơn 1.000 tỷ đồng, cộng với 20% cổ phiếu thưởng.