36 nhà đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vừa kiến nghị Thủ tướng khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện. Các nhà đầu tư nói khung giá phát điện mới Bộ Công Thương đưa ra quá thấp khiến họ nguy cơ vỡ phương án tài chính, nguy cơ thua lỗ phá sản.
Họ cũng cho rằng, việc ban hành khung giá phát điện mới của Bộ Công Thương vội vàng, chưa đảm bảo thẩm định, lấy ý kiến kỹ lưỡng và chưa qua tư vấn độc lập.
Trong thông tin phát đi chiều 15/3, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) phủ nhận việc ban hành khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp đã làm vội vàng, chưa thẩm định, lấy ý kiến và chưa qua tư vấn độc lập.
Theo đó, bộ khẳng định đã tính toán rà soát, xin ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan có đơn vị có liên quan đã được thực hiện. Hội đồng tư vấn độc lập lấy ý kiến về khung giá phát điện cho dự án chuyển tiếp được thành lập với 9 thành viên là các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực điện, giá, tài chính, quản lý nhà nước về năng lượng.
"Quyết định về khung giá nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp hoàn toàn đảm bảo trình tự, thủ tục quy định", Cục Điều tiết điện lực khẳng định.
Giải thích về phương pháp, đại diện Cục này cho biết, kết quả tính khung giá dựa trên các thông số được các tổ chức tư vấn trong, ngoài nước cung cấp. Theo đó, suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới xu hướng giảm dù chi phí vật liệu tăng cao. Các bên tư vấn chọn phương án khung giá trên cơ sở tổng mức đầu tư dự án không gồm 10% chi phí dự phòng.
"Khung giá phát điện được tính toán trên chi phí thực tế tại báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật của các nhà máy điện tái tạo đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời hạn cơ chế giá FIT hết hiệu lực", Cục này thông tin thêm.
Trước đó, theo kiến nghị 36 nhà đầu tư gửi Thủ tướng, nhà chức trách khi lập phương án tính đã dẫn sản lượng giao nhận bình quân của các nhà máy điện gió nhưng không tính tới tình hình cắt giảm và bỏ dự án có kết quả tính toán giá điện cao hơn giá FIT trước đây. Hệ quả, khung giá phát điện đưa ra không đảm bảo nguyên tắc tỷ suất lợi nhuận sau thuế (IRR) 12% cho nhà đầu tư.
Phân tích của VNDirect cũng cho thấy, IRR các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp giảm đáng kể so với nếu họ được hưởng giá FIT ưu đãi. Chẳng hạn, IRR của các dự án điện mặt trời khi áp dụng khung giá mới chỉ trên 5%, trong khi nếu được áp dụng giá FIT ưu đãi (1.680 đồng một kWh) thì tỷ suất sinh lời là 11,7%. Còn các dự án điện gió (trên bờ, gần bờ), mức IRR giảm xuống lần lượt 8% và 7,9% từ mức 12,7-12,9% theo giá FIT cũ.
Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.
Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm và phải đàm phán giá bán điện với EVN trên cơ sở khung giá được Bộ Công Thương ban hành đầu năm nay. Giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng một kWh và điện gió 1.587-1.816 đồng một kWh, tuỳ loại hình. Mức giá trần này thấp hơn 20-30% so với giá FIT ưu đãi 20 năm từng được đưa ra trước đây.
Bộ Công Thương "giục" EVN sớm đàm phán giá với các dự án chuyển tiếp để tiếp tục huy động sản lượng từ các dự án này. Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) đã yêu cầu các chủ đầu tư trong diện chuyển tiếp cung cấp hồ liên quan để các bên đàm phán giá.
Anh Minh