Lúa chết hàng loạt, trồng dặm lại vẫn chết
Ngày 15.3, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Trần Thị Khương (trú khu 10, TT.Thịnh Long) cho biết, gia đình bà có hơn gần 270 m2 ruộng. Tính đến sau Tết Nguyên đán Quý Mão, ruộng của bà đã cấy được khoảng 1 tháng, bỗng nhiên diện tích lớn lúa chết hàng loạt.
Ngay sau đó, bà Khương và nhiều hộ dân có lúa chết đã báo với chính quyền xem xét, đồng thời nhổ bỏ lúa đã chết, cày bừa và cấy lại lúa mới. Đến nay, bà Khương đã 2 lần dặm lúa nhưng cây lúa vừa dặm xong vẫn chết vì cây không thể bén rễ.
"Chi phí tiền giống, phân bón, tiền công cày bừa, tiền thuê người cấy của 5 sào ruộng hết hơn 1,5 triệu đồng. Chi phí này không hề nhỏ đối với bà con chúng tôi", bà Khương nói.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, liên quan đến tình hình lúa chết hàng loạt, UBND H.Hải Hậu đã mời cơ quan chuyên môn của tỉnh về phối hợp, xác định nguyên nhân khiến lúa chết diện rộng là do ngộ độc rễ cây và ảnh hưởng của mặn. UBND H.Hải Hậu đã có văn bản về việc tập trung chỉ đạo khắc phục hiện tượng lúa bị ngộ độc sau cấy.
Vị lãnh đạo UBND H.Hải Hậu cho hay, tổng diện tích đất lúa vụ xuân của địa phương này trên 200 ha, trong đó có 70% diện tích bị ảnh hưởng nhiễm mặn. Phần diện tích lúa bị chết phải cấy lại khoảng 30%, tương đương hơn 60 ha.
Lúa chết do không làm tốt quá trình thau, rửa mặn ?
Ngày 16.3, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Định, Phó trưởng Phòng NN-PTNT H.Hải Hậu cho biết: "Nước phục vụ nông nghiệp lấy từ cống Xuân Hương 2, sau đó tưới tiêu cho cánh đồng Tân Hùng (xã Hải Hòa, H.Hải Hậu) và cánh đồng TT.Thịnh Long. Tuy nhiên, đến nay, lúa tại cánh đồng Tân Hùng vẫn xanh, tốt. Do đó, hoài nghi của người dân về nắp cống bị kênh khiến nước mặn chảy vào ruộng là không có cơ sở".
Theo ông Định, nguyên nhân chính khiến lúa chết là do bốc mặn, nghĩa là mặn trong đất tích tụ nhiều năm, năm nay bốc lên. "Theo quy trình, trước khi cấy, cán bộ thủy nông phải lấy nước vào ruộng, sau đó tháo nước ra. Việc làm này phải được thực hiện nhiều lần nhằm mục đích rửa mặn để độ mặn trong đất giảm xuống, sau đó mới thực hiện cấy lúa. Chính quyền huyện chỉ đạo như vậy nhưng tôi không rõ phía thủy nông xã đã thực hiện như thế nào dẫn đến tình trạng này. Nếu thau, rửa nước tốt thì chắc chắn lúa không bị chết như vậy", ông Định nhấn mạnh.
Được biết, hiện vẫn chưa họp các bên liên quan để tìm nguyên nhân và xác định trách nhiệm người liên quan. Chính quyền địa phương đã đặt nhiệm vụ hàng đầu là việc khắc phục đất, để người dân sớm cấy lúa trở lại.
"Ruộng bị nhiễm mặn được xác định độ mặn ở ngưỡng 2,8 - 2,8 phần nghìn, cao hơn gấp nhiều lần so với chỉ số cho phép (tỷ lệ độ mặn dưới 1 phần nghìn). Ngay sau đó, tận dụng con nước lên, xuống, huyện đã tiến hành thau chua, rửa mặn 4 lần liên tiếp. Hiện độ mặn đã về mức an toàn. Trước mắt, việc khắc phục đã hoàn thành. Đây cũng là bài học cần rút kinh nghiệm cho những năm sau bởi đây là lần đầu tiên địa phương gặp phải tình trạng này", ông Lê Văn Định nói.
Theo tìm hiểu của PV, đây là lần đầu tiên địa phương xảy ra tình trạng đất nhiễm mặn, bốc mặn sớm và trên diện rộng. Các năm trước, tình trạng bốc mặn vẫn xảy ra nhưng trên phạm vi hẹp, khoảng vài ba ha.