Dù vậy, chính quyền địa phương lại nói chỉ có vai trò "trọng tài" trong tranh chấp giữa doanh nghiệp khai thác cát và người dân có ruộng bị ảnh hưởng.
Ruộng biến thành sông
Từ chân cầu Nam Kar giữa xã Nam Kar, huyện Lắk (Đắk Lắk) với xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đi men theo bờ sông Krông Nô hơn 6km có tới 5 doanh nghiệp khai thác cát như: Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Phước Lộc, Doanh nghiệp tư nhân Văn Hồng, Công ty TNHH MTV khai thác khoáng sản Quảng Phú...
Trên khúc sông này, có hơn chục chiếc tàu hút cát của các doanh nghiệp đang nổ máy rầm vang. Một số tàu còn tiến vào gần bờ sông khu vực sạt lở để hút cát.
Theo người dân, việc khai thác cát quá mức ở đoạn sông ngắn, cùng với hoạt động bất ngờ của thủy điện Chư Pông Krông (công suất 8MW, do Công ty TNHH MTV xây lắp điện Hưng Phúc làm chủ đầu tư), vào cuối năm 2022 khiến nhiều đoạn sông sạt lở nghiêm trọng thêm.
Ông Y Chim Niê, một hộ dân có ruộng tại đây, than thở rằng mỗi năm sông lại lấn vào bờ mấy chục mét. Gia đình ông khiếu nại, công ty khai thác cát lại đến thỏa thuận bồi thường diện tích đất bị sạt lở để dân rút đơn.
Cuối năm 2022, Nhà máy thủy điện Chư Pông Krông tích nước, xả đáy bất ngờ, thêm nhiều diện tích đất của dân lại sạt lở, "làm mồi" cho các tàu hút cát.
"Tôi nghe xã nói, theo quy định tàu hút cát phải cách bờ 20m nhưng đất sạt đến đâu tàu cũng lấn theo đến đó. Ruộng cứ sạt mãi, thành sông, thành cát cho họ hút hết", ông Y Chim Niê nói.
Mới đây Công ty Hưng Phúc và DNTN Văn Hồng bồi thường cho những hộ dân bị sạt lở đất. "Chúng tôi nhận tiền rồi, 115 triệu đồng/sào. Tuy nhiên vẫn sợ năm sau sông lại ngoạm thêm vào bờ vì đất đã bồi thường, công ty cát được toàn quyền sử dụng", ông Y Trơi lo lắng.
Đại diện Công ty thủy điện Hưng Phúc cho biết khi có yêu cầu của ngành chức năng, doanh nghiệp đã rà soát và bồi thường cho các hộ dân bị thiệt hại. "Việc sạt lở bờ sông diễn ra từ nhiều năm nay, do các đơn vị khai thác cát là chủ yếu, không thể đổ lỗi hết cho chúng tôi", đại diện Công ty thủy điện Hưng Phúc nói.
Phải cấm khai thác ở vùng sạt lở
Nói về tình trạng sạt lở ruộng biến thành sông, ông Nguyễn Chung Huy, trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Nô, cho biết từ cuối năm 2022 đến nay, có 30 hộ dân tại xã Quảng Phú có đơn kiến nghị về việc đất bị sạt lở. Công ty thủy điện Hưng Phúc đã bồi thường, hỗ trợ tổng cộng khoảng 8 tỉ đồng cho tất cả các hộ dân.
Có 2/5 công ty khai thác cát (đoạn sông qua xã Quảng Phú) làm sạt lở bờ sông cùng thủy điện thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Các công ty khai thác cát khác trên địa bàn vẫn lặng thinh, chưa có báo cáo.
Trước đó, khi đánh giá việc sạt lở bờ sông, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông khẳng định nguyên nhân chủ yếu là do thủy điện Chư Pông Krông xả đáy vào cuối năm 2022.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, lại khẳng định không phải chỉ do thủy điện làm sạt lở bờ sông mà có nhiều nguyên nhân cộng hưởng như do địa chất, khai thác cát, hoạt động thủy điện.
"Mới đây UBND tỉnh Đắk Nông có kết luận nguyên nhân, yêu cầu Công ty thủy điện Hưng Phúc phối hợp với các công ty khai thác cát để đánh giá lại nguyên nhân gây sạt trượt khu vực này. Qua đó có phương án phục hồi bờ sông, bồi thường cho dân", ông Minh nói.
Kết luận về khai thác cát đóng dấu mật?
Ông Nguyễn Chung Huy, trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Nô, cho biết các doanh nghiệp được khai thác cát cách bờ 20m.
Việc xác định bờ thời điểm ban đầu cấp phép hay lúc tàu đang hút lại chưa thấy quy định. Điều này dẫn đến việc sạt lở càng nghiêm trọng vì sông sạt đến đâu, tàu cát vào hút đến đó.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trọng Yên, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, nói ông đã họp, có kết luận, đề nghị phóng viên liên hệ Văn phòng UBND tỉnh lấy văn bản.
Sau nhiều lần liên lạc, đến trực tiếp thì Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông Trần Văn Diêu ban đầu bận họp, sau cùng nói văn bản đóng dấu mật, không thể cung cấp.
Ông Diêu không giải thích tại sao văn bản kết luận về tình trạng sạt lở bờ sông do các công ty cát gây ra lại đóng dấu mật.
Dải phù sa ở sông Vu Gia nằm dọc xã Đại Hồng, nơi sản xuất hoa màu quy mô lớn của người dân huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Đây cũng là nơi nạn khai thác cát hoành hành bấy lâu.
Xem thêm: mth.68961728071303202-tac-caht-iahk-od-gnos-hnaht-neib-gnour/nv.ertiout