Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan các nhóm vấn đề dự kiến sẽ chất vấn ngày 20-3 tại phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng
Trong phần kiến nghị, ông đề nghị có hành lang pháp lý an toàn tạo điều kiện cho cán bộ năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ nhằm tạo động lực phát triển đất nước.
Ông Lê Minh Trí cũng đề nghị tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.
Đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn thu hồi tài sản bị tham nhũng, thất thoát.
Việc này bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.
Theo ông Trí, hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi.
Cụ thể, vi phạm điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì vậy, ông Trí cho rằng trong chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục.
Trước đó, tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2012-2022 hồi tháng 6-2022, ông Trí đã có kiến nghị về vấn đề này.
Ông đề nghị Bộ Chính trị, Trung ương cho chủ trương giao Ban Nội chính hoặc viện nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.
Làm như vậy giúp thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả tốt hơn do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để không bị xử lý hình sự và cũng không phải xử lý hình sự nhiều.
Hạn chế tối đa bỏ lọt tội phạm trong các vụ AIC Đồng Nai, Việt Á
Cũng trong báo cáo, ông Trí nêu rõ với các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ đều yêu cầu viện kiểm sát các cấp phải xác định đúng bản chất, động cơ của tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế, chức vụ.
Áp dụng đúng các quy định pháp luật trong xác định tội danh và đánh giá chứng cứ, hành vi phạm tội; yêu cầu khởi tố và thay đổi tội danh khi có căn cứ; bảo đảm mọi hành vi tham nhũng phải được xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm.
Đồng thời, thông qua giải quyết các vụ án thực hiện tốt công tác kiến nghị các cơ quan hữu quan về phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản.
Cạnh đó, áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ngay từ giai đoạn tiếp nhận giải quyết nguồn tin về tội phạm đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để bảo đảm thu hồi tài sản đạt kết quả cao nhất.
Ông Trí nêu rõ viện kiểm sát các cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, chức vụ. Điển hình trong quá trình giải quyết các vụ án AIC Đồng Nai, Việt Á, VN Pharma.
Các vụ án về kinh tế, chức vụ đều được ngành xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh, đạt lý, thấu tình...
Báo cáo của Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết từ năm 2021 đến nay có 106 trường hợp là cán bộ, thẩm phán bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng, tiêu cực.