Trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chợ truyền thống ế ẩm thời gian dài, mới đây, Sở Công Thương TP HCM đã phối hợp Trường Đại học Kinh tế - Luật thực hiện đề án "Phát triển hệ thống chợ tại TP HCM thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế" nhằm xây dựng chiến lược phát triển chợ truyền thống trên địa bàn giai đoạn 2020-2030 tầm nhìn đến năm 2035, nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống.
Đưa chợ hiện hữu lên chợ mạng
Cơ sở để thực hiện đề án là trước đó, từ tháng 9-2021, Sở Công Thương TP HCM đã phối hợp Công ty TNHH Phần mềm FPT triển khai mô hình "Chợ truyền thống trực tuyến" trên ứng dụng Utop. Đến nay, ứng dụng đã triển khai tại 32 chợ, nhận được 14.951 đơn đặt hàng với doanh thu 4,912 tỉ đồng.
Ông Trần Công Trí, Trưởng Ban Quản lý chợ Đa Kao (quận 1), cho biết chợ đã tham gia mô hình Utop từ tháng 5-2022. Có 29 tiểu thương ở các ngành hàng rau củ quả; thịt, cá, thực phẩm khô tham gia.
Các doanh nghiệp đang chủ động tìm mọi cách để thích ứng trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu .Ảnh: THANH NHÂN
Cũng nhằm hỗ trợ tiểu thương cải thiện doanh thu và mở rộng phạm vi bán hàng, một số ban quản lý chợ như Bà Chiểu (Bình Thạnh), Xã Tây (quận 5)… đã lập trang Facebook của chợ để tiểu thương giới thiệu sản phẩm, tiếp nhận đơn đặt hàng. Những tiểu thương trẻ, nắm bắt nhanh xu hướng bán hàng online thì chủ động lập trang mạng xã hội cá nhân, Zalo, TikTok, YouTube để bán hàng.
Tuy nhiên, theo đại diện Ban Quản lý chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), việc chuyển sang buôn bán chuyên nghiệp trên không gian mạng không đơn giản do phần lớn tiểu thương đã lớn tuổi, khó làm quen với điện thoại thông minh để rao hàng, chốt đơn.
"Nhiều tiểu thương ý thức được tầm quan trọng của "chợ mạng" nên mong muốn có sàn thương mại điện tử (TMĐT) chuyên nghiệp để họ bán hàng, vì khi "lên sàn" sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận tệp khách hàng đa dạng hơn thay vì chỉ bán trong cộng đồng nhỏ Facebook, Zalo..." - đại diện Ban Quản lý chợ Bà Chiểu thông tin.
Theo ThS Đỗ Quang Huy - chuyên gia về TMĐT, giảng viên chính thức của Học viện Lazada - tiểu thương lên sàn TMĐT có nhiều thuận lợi như sự hỗ trợ của các sàn bởi đây là những nhà bán tiềm năng được các sàn hướng đến. Cơ sở hạ tầng cho TMĐT ngày nay đã tốt hơn về giao nhận, thanh toán chứ không vất vả như thời gian đầu. Đặc biệt, ngày nay, người tiêu dùng đã quen với việc mua sắm online nên kênh này đang tăng trưởng tốt.
"Hiện tại, hình mẫu về các bà, các bác tiểu thương mộc mạc, chất phác rất được yêu thích và nhận được sự ủng hộ của người mua. Đã có nhiều trường hợp kinh doanh rất thành công trên TMĐT, đặc biệt là các tiểu thương có sự hỗ trợ của người nhà là người trẻ, rành về công nghệ. Nếu tận dụng được TMĐT, các tiểu thương sẽ đỡ vất vả, không phải ngồi chợ cả ngày để đợi khách. Nếu bà con chần chừ có thể bị mất cơ hội kinh doanh, thu nhập bị sụt giảm khi thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi" - chuyên gia Đỗ Quang Huy bày tỏ.
Cơ hội cho những doanh nghiệp biết chuẩn bị kỹ
Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods, TP HCM) - chuyên cung cấp các đặc sản Huế vào hệ thống siêu thị, cho biết doanh số kênh này giảm đến 20% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, nhờ chủ động các giải pháp ứng phó mà doanh số chung của DN vẫn tăng so với cùng kỳ 25%-30%.
Tại thị trường trong nước, DN phát triển thêm sản phẩm mới phù hợp cho kênh truyền thống và bán hàng online qua hình thức phát trực tuyến (livestream). Với thị trường xuất khẩu, Sông Hương Foods tiếp tục tăng sản lượng tại thị trường Mỹ và mở rộng thêm khách hàng mới tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu, thông tin dù kinh tế đi xuống nhưng DN hoạt động trong ngành ăn uống - phục vụ nhu cầu thiết yếu nên hoạt động vẫn ổn định, không gặp khó khăn. Kinh nghiệm giữ khách hàng của ông là chủ động chốt giá nguyên liệu đầu vào với nhà cung cấp, tránh việc giá cả bị leo thang, ảnh hưởng giá thành và lợi nhuận của DN; đồng thời đầu tư cho nghiên cứu phát triển, ra mắt sản phẩm mới để không phụ thuộc vào nhà nhập khẩu.
Trong lĩnh vực bán lẻ, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty Aeon Việt Nam, cho hay Aeon nỗ lực giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, tăng cường hơn nữa chương trình "Giá tốt mỗi ngày" theo hướng ưu tiên cho nhóm hàng hóa được khách hàng lựa chọn nhiều nhất.
"Kinh tế khó khăn nên người dân sẽ chỉ mua những thứ thật cần thiết và có xu hướng cân nhắc rất kỹ khi chọn mua hàng. Tuy nhiên, trong những lúc như thế này vẫn có những mặt hàng bán chạy hơn và chúng tôi tập trung đáp ứng nhu cầu đó" - ông Furusawa Yasuyuki nhấn mạnh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-3
Xem thêm: mth.65070311261303202-uac-hcik-taoh-hnil-uas-maig-gnad-aum-cus/et-hnik/nv.moc.dln