Thời gian qua, Công an TP.HCM, Bộ Công an phối hợp lực lượng nghiệp vụ khác liên tục triệt phá những công ty tài chính hay doanh nghiệp có hành vi "khủng bố" đòi nợ khách hàng bằng nhiều thủ đoạn trái quy định.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, hoạt động đòi nợ thuê đã biến tướng tinh vi, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, thậm chí là "núp bóng" công ty luật để hoạt động đòi nợ thuê cho các ngân hàng, công ty tài chính... Công an đã triệt phá nhiều vụ đòi nợ kiểu "khủng bố" gần đây. Dư luận cũng đặt câu hỏi về việc trách nhiệm của người đứng đầu các công ty tài chính, doanh nghiệp thế nào?
Điển hình, ngày 15.3, Công an TP.HCM phối hợp Công an Q.Tân Bình khởi tố 14 bị can là trưởng phòng, quản lý, nhân viên của Công ty CP mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng (P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM) và chi nhánh Công ty TNHH luật Thế Hệ Trẻ (P.15, Q.Tân Bình) về tội cưỡng đoạt tài sản.
Đây không phải lần đầu công an triệt phá các công ty đòi nợ thuê kiểu "khủng bố" như vậy. Dư luận mới đây bất ngờ khi tất cả các trụ sở, chi nhánh, phòng giao dịch của Công ty F88 bị Công an TP.HCM, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) khám xét vì liên quan đến đòi nợ người vay sai quy định, có dấu hiệu của hành vi "cưỡng đoạt tài sản". Hay tháng 12.2022, Công an TP.HCM cũng triệt phá vụ "vu khống" để đòi nợ tại Công ty luật TNHH Power Law (địa chỉ QL1, P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM).
Lãnh đạo không giám sát, cố tình làm ngơ thì có thể bị xử lý hình sự
Nói về trách nhiệm của người đứng đầu các công ty tài chính, doanh nghiệp để nhân viên đòi nợ thuê trái quy định, luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nêu ý kiến, việc cơ quan chức năng chỉ mới xử lý các nhân viên thu hồi nợ, trưởng phòng, phó phòng đòi nợ trong các vụ án "cưỡng đoạt tài sản" thông qua hành vi đòi nợ trái pháp luật trong thời gian gần, đây chỉ mới là bước đầu trong việc điều tra, triệt phá nhiều đường dây đòi nợ bằng các thủ đoạn trái quy, gây phẫn nộ trong thời gian qua.
"Trong các vụ án này, nhân viên đòi nợ là những người trực tiếp thực hiện hàng loạt các hành vi đòi nợ trái pháp luật, thông qua sự phân công trách nhiệm của người quản lý trực tiếp là các trưởng phòng, phó phòng, trưởng nhóm, tổ trưởng. Trong pháp luật hình sự gọi những người này là "người thực hành" theo quy định tại khoản 3 điều 17 bộ luật Hình sự hiện hành. Do đó, có thể dễ thấy được hành vi của họ là vi phạm pháp luật hình sự và có căn cứ để xử lý ngay", LS Công nói.
Tuy nhiên, LS Nguyễn Thành Công cho rằng, đối với các chức danh quản lý cấp cao trong công ty như: người đại diện theo pháp luật, ban lãnh đạo, ban giám đốc công ty thì dấu hiệu phạm tội chưa thật sự rõ ràng. Muốn xác định trách nhiệm hình sự những người này, Cơ quan tiến hành tố tụng phải trải qua quá trình đấu tranh, điều tra, thu thập chứng cứ để chứng minh được "ý thức" và "vai trò" của họ trong mối quan hệ với hành vi phạm tội do người trực tiếp đòi nợ thực hiện.
LS Công đưa giả thiết, nếu họ hoàn toàn không biết, không được báo cáo, không được phản ánh, phản hồi về các phương thức, thủ đoạn đòi nợ theo kiểu "khủng bố", đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực của nhân viên thu hồi nợ đối với con nợ. Hoặc không trực tiếp chỉ đạo, không đề ra phương án, cách thức thực hiện thu hồi nợ như trên thì khó có cơ sở xử lý hình sự họ. Tuy nhiên, nếu việc đòi nợ của nhân viên công ty gây ra các hậu quả chết người, gây thương tích, tổn hại sức khỏe hoặc gây thiệt hại tài sản của con nợ, và việc này diễn ra trong thời gian dài mà người quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp không có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, điều hành doanh nghiệp của mình thì có thể bị xem xét xử lý tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 360 bộ luật Hình sự hiện hành.
Ngược lại, LS Công cho rằng, nếu có cơ sở xác định họ biết nhân viên của mình đòi nợ trái pháp luật nhưng không có biện pháp xử lý, kỷ luật, can thiệp mà cố tình làm ngơ để mặc hành vi đó xảy ra. Nghiêm trọng hơn là lập phương án, chỉ đạo, điều hành cách thức thực hiện đòi nợ thì họ sẽ bị xử lý với các vai trò đồng phạm tương ứng với người trực tiếp thực hiện hành vi.
Lãnh đạo công ty không thể không biết hành vi trái pháp luật của cấp dưới
LS Công phân tích thêm, trong quá trình điều hành hoạt động của doanh nghiệp, người quản lý sẽ được báo cáo, cập nhật công việc hằng ngày, hằng tuần từ các phòng ban, bộ phận, nhân viên của mình. Như đối với giám đốc, tổng giám đốc, theo quy định tại các điều 63, điều 82, điều 162 luật Doanh nghiệp 2020, thì giám đốc, tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty, có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty, tổ chức thực hiện các kế hoạch, phương án kinh doanh.
Đồng thời, trong nhiều vụ việc đòi nợ trái pháp luật, người dân, báo chí cũng nhiều lần phản ánh đưa tin, thậm chí đến tận công ty đòi nợ để yêu cầu giải quyết. Do đó, LS Công nhấn mạnh rất khó để người quản lý doanh nghiệp không biết được những hành vi sai trái của cấp dưới, đặc biệt là những hành vi trái pháp luật diễn ra trong thời gian dài, trừ khi chỉ được thuê đứng tên mà không trực tiếp điều hành hoạt động doanh nghiệp.
"Trên thực tế, hành vi của những người này rất đa dạng, tinh vi và khó chứng minh. Họ có thể lên phương án, phân công trách nhiệm theo từng cấp bậc. Sau đó, tổ chức họp với cấp quản lý để áp đặt chỉ tiêu doanh số thu hồi nợ, chi thưởng "hoa hồng" theo lũy tiến trên tổng số tiền nợ thu hồi để nhằm làm cho nhân viên trực tiếp thực hiện đòi nợ trái pháp luật bằng mọi thủ đoạn, mọi phương thức… Nếu không đạt doanh số thì thì bị đuổi việc, trừ lương. Với những trường hợp tinh vi như vậy thì CQĐT cần nhiều thời gian đấu tranh, điều tra bằng các biện pháp nghiệp vụ mới có cơ sở để xử lý lãnh đạo công ty, doanh nghiệp được", LS Công nói.
Luật sư cho rằng những công ty tài chính, doanh nghiệp có hành vi "khủng bố" đòi nợ khách hàng thì cần phải bị xử lý hành chính, phạt tiền, tạm đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh, nặng thì xử lý trách nhiệm hình sự của người đứng đầu để răn đe.
LS Nguyễn Trọng Hào (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật, công ty tài chính không được khủng bố tin nhắn, cuộc gọi để đòi nợ. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải có chế tài thật mạnh, vào cuộc xử lý nghiêm các đối tượng đứng đầu các công ty, doanh nghiệp đòi nợ thuê. Bởi nếu không xử lý nghiêm, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn và gây nhiều bất ổn cho xã hội.
"Những công ty tài chính, doanh nghiệp có hành vi "khủng bố" đòi nợ khách hàng thì cần phải bị xử lý hành chính, phạt tiền, tạm đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh. Nếu tái phạm nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng đến khách hàng thì cần phải xem xét xử lý hình sự không chỉ nhân viên mà còn ban giám đốc, người đứng đầu công ty để răn đe", LS Hào nói thêm.