Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rất rõ về phần đường, cũng như những việc mà người đi bộ (NĐB) phải thực hiện để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, việc người dân đi bộ sai luật dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm đáng tiếc xảy ra.
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM, lực lượng CSGT không chỉ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt các phương tiện vi phạm luật Giao thông đường bộ, mà còn tập trung xử phạt NĐB đi không đúng phần đường, nhằm góp phần tránh xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc.
TAI NẠN THƯƠNG TÂM
Tháng 8.2022, em N.T.H.H (15 tuổi, ngụ Q.1) điều khiển xe máy chở theo một người khác trên đường 3.2 (Q.10, TP.HCM). Khi đến trước số nhà 270 đường 3.2 thì xảy ra va chạm với bà B.T.M (57 tuổi, ngụ Q.10) do bà M. băng qua đường không quan sát. Hậu quả, bà M. tử vong. Kết quả điều tra cho thấy, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông là do bà M. qua đường không đúng nơi quy định.
Hay một vụ tai nạn xảy ra hồi tháng 12.2022 tại đường Trần Văn Giàu, xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh (TP.HCM) giữa xe bồn và người đi bộ. Ông Đ.T.T (56 tuổi, quê Khánh Hòa) lái xe bồn khi đến địa điểm trên thì xảy ra va chạm khiến bà N.T.T.N (75 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) tử vong tại chỗ. Nguyên nhân tai nạn do bà N. qua đường không đúng nơi quy định.
Trước đây, Công an Q.1 (TP.HCM) từng khởi tố chị N.T.M.Y về hành vi băng qua đường trên cầu Ông Lãnh. Khi đó chị Y. qua đường đã va chạm với xe máy khiến nạn nhân ngã xuống đường, chấn thương sọ não và tử vong. Sau vụ việc, chị Y. bị tuyên phạt 9 tháng cải tạo không giam giữ và bồi thường cho gia đình nạn nhân 7,5 triệu đồng.
Đáng lưu ý, PC08 cho biết, việc các nhà hảo tâm và các nhóm từ thiện phát cơm, trao quà cho người vô gia cư là hoạt động thể hiện tính nhân văn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc phát cơm, quà từ thiện diễn ra ngay dưới lòng đường. Khi người dân tập trung đông, không tuân thủ luật lệ giao thông sẽ rất dễ dẫn đến ùn tắc, thậm chí gây tai nạn giao thông. Chưa kể, nhiều trường hợp người vô gia cư vì muốn được nhận cơm, nhận quà, đã không ngại leo qua các dải phân cách cứng, hoặc qua đường không đúng nơi quy định, hoặc bất ngờ sang đường không quan sát dẫn đến nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.
LÃNG QUÊN CẦU BỘ HÀNH
Tại TP.HCM, cơ quan chức năng đã lắp đặt cầu vượt bộ hành trên nhiều tuyến đường có mật độ phương tiện lưu thông cao, hoặc một số khu vực có tình hình giao thông phức tạp, nguy cơ xảy ra tai nạn. Trong đó có cầu bộ hành Bệnh viện (BV) Ung bướu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Cầu bắc ngang đường Nơ Trang Long, nối khu điều trị kỹ thuật cao, xạ trị với khu vực điều trị nội trú… Cầu đi vào hoạt động từ đầu tháng 6.2020, với kỳ vọng góp phần giải quyết một phần ách tắc giao thông ở các tuyến đường quanh BV Ung bướu, đảm bảo an toàn cho NĐB. Kỳ vọng là vậy, nhưng cầu bộ hành này dường như bị "lãng quên". Người dân rất ít sử dụng cầu này, thay vào đó là đi dưới lòng đường. Điều này làm giao thông khu vực thường trong tình trạng rối rắm, kẹt xe.
Ghi nhận của PV Thanh Niên trong chiều 3.3, mặc dù giao thông trên đường Nơ Trang Long đoạn qua BV Ung bướu nhộn nhịp, người dân vẫn tay xách nách mang, nối nhau đi bộ băng qua đường. Trong khi đó, trên cầu bộ hành chỉ lác đác vài bệnh nhân, nhân viên y tế. Tương tự, sáng 4.3, cây cầu này cũng trong tình trạng vắng vẻ; bên dưới lòng đường, bệnh nhân vẫn đi lại sai phần đường.
CÓ THỂ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ
Theo luật sư (LS) Nguyễn Minh Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội), NĐB khi tham gia lưu thông sẽ được nhường đường ở một số trường hợp, như tại nơi có vạch kẻ đường dành cho NĐB, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho NĐB. Những nơi không có vạch kẻ đường cho NĐB, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy NĐB đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho NĐB qua đường an toàn.
NĐB phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì NĐB phải đi sát mép đường.
NĐB chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho NĐB và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho NĐB thì NĐB phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
NĐB không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Điều 32 luật Giao thông đường bộ
LS Hùng cũng nêu, trong khi chuyển hướng, người lái xe phải nhường quyền đi trước cho NĐB; không được quay đầu xe ở phần đường dành cho NĐB qua đường…
Đối với hành vi NĐB đi không đúng phần đường, LS Hùng cũng cho biết, căn cứ pháp lý xử phạt theo điều 9 Nghị định 100/2019 về xử phạt NĐB vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Theo đó, quy định phạt tiền từ 60.000 - 100.000 đồng đối với NĐB: "Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông".
Ngoài ra, LS Hùng cho hay, đối với NĐB đi vào đường cao tốc, thì bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Đáng chú ý, LS Hùng nhấn mạnh, NĐB vi phạm các quy định giao thông đường bộ mà gây chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 - 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 - dưới 500 triệu đồng, thì có thể bị xử lý hình sự theo điều 260 bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.