Chương trình "Tôn vinh cà phê Việt", lần I-2023 do Báo Người Lao Động tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-3, đã chính thức được khai mạc tại Trung tâm Thương mại Gigamall (TP Thủ Đức, TP HCM). Trong khuôn khổ chương trình, Hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?" đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp nhằm nâng tầm giá trị cây cà phê, thương hiệu cà phê Việt Nam.
Bất ngờ, thú vị
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, ngay từ sáng 4-3, khách đến tham quan chương trình "Tôn vinh cà phê Việt", lần I-2023 đã tập trung nhộn nhịp ở các gian hàng cà phê của nhiều thương hiệu để thưởng thức cà phê miễn phí. Nhiều gia đình dẫn theo con nhỏ vào trung tâm thương mại vui chơi dịp cuối tuần bày tỏ sự bất ngờ, thú vị với không gian cà phê độc đáo tại đây và thỏa sức check-in với các thương hiệu cà phê nổi tiếng như Doi Dep, Ông Bầu, Meet & More, King Coffee, Trung Nguyên, Napoli Coffee, Rita Võ...
Phát biểu tại lễ khai mạc chương trình "Tôn vinh cà phê Việt", nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh cà phê là ngành sinh lợi lớn. Trong nhiều năm qua, cà phê luôn là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam và hiện đứng thứ hai cả nước về diện tích trồng với 710.000 ha. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê cao kỷ lục - đạt hơn 4 tỉ USD, tăng 32% so với năm 2021; chủ yếu nhờ lợi thế về giá trong bối cảnh thế giới thiếu hụt nguồn cung cà phê.
"Để kết nối những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê và chung tay nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cũng như kiến tạo vị thế quốc tế cho ngành cà phê nước ta, Báo Người Lao Động khởi xướng và tổ chức chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" năm 2023. Tôi tin rằng chương trình sẽ tạo một bệ phóng để nâng cao vị thế của cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới. Cũng từ đây, chúng ta hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều yếu tố thuận lợi khác làm gia tăng giá trị cho ngành cà phê nước nhà" - ông Tô Đình Tuân bày tỏ.
Chủ trì hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đặt vấn đề tìm cách để giải bài toán khó về xây dựng thương hiệu và chế biến tinh sản phẩm cà phê.
Tại hội thảo, ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam - Quốc tế, nhận định 2022 là năm rất khởi sắc với ngành cà phê. Để duy trì thành tích, cần có kế hoạch lâu dài cho năm 2023 cũng như những năm tiếp theo. "Bản thân CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam - Quốc tế đã thường xuyên trao đổi với các phòng thương mại và công nghiệp các nước; phối hợp tổ chức các hội thảo kết nối giới thiệu cà phê Việt cho khách quốc tế. Cách đây 2 ngày, tại một hội thảo với Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, chúng tôi mời họ dùng thử cà phê và nhận được phản hồi rất tích cực. Có đối tác Mỹ đã yêu cầu công ty sản xuất cà phê này cung cấp 1.000 tấn cà phê theo tiêu chuẩn USDA của họ" - ông Đinh Vĩnh Cường hào hứng.
Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng để phát triển và nâng giá trị cà phê Việt trong thời gian tới, cần chú trọng đầu tư sản xuất cà phê sạch, chế biến sâu nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính.
Hiện nay, rất ít công ty làm thương hiệu cho cà phê Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Thái Lan có loại cà phê cao cấp, bán với giá đến 50-100 USD/ly ở các khách sạn 5 sao trên toàn cầu. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới.
Hội thảo “Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?” trong khuôn khổ chương trình “Tôn vinh cà phê Việt”, lần I-2023 do Báo Người Lao Động tổ chức đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý nhằm gia tăng giá trị kinh tế cũng như lan tỏa giá trị văn hóa của cà phê Việt. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kiến tạo vị trí cà phê Việt trên bản đồ thế giới
Các DN cũng góp ý một trong những giải pháp nâng tầm giá trị cho cà phê Việt Nam là cần định vị thương hiệu quốc tế. Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Nước giải khát cà phê LEKOFE, nêu quan điểm phải truyền thông cho người tiêu dùng về cà phê sạch, chất lượng; truyền thông cho nông dân về trồng cà phê đúng tiêu chuẩn. Bởi lẽ, cà phê Việt Nam dù ngon hơn, chất lượng hơn, rẻ hơn thế giới nhưng không được để mắt tới. DN Việt phải bán thô cho những nhà máy có thương hiệu của nước ngoài vì người tiêu dùng nhiều nước chỉ dùng cà phê mang thương hiệu của nhà sản xuất bản địa. Do đó, cần có chiến lược xây dựng thương hiệu cà phê Việt tại thị trường nước ngoài.
Ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - cho rằng người tiêu dùng cà phê phải là đối tượng quyết định đến việc nâng cao giá trị và tạo thương hiệu cà phê. Một vấn đề cũng cần quan tâm là ở nhiều quốc gia, sản phẩm cà phê được bảo hộ nhưng cà phê Robusta của Việt Nam hiện chưa được quốc gia nào bảo hộ. Như vậy, DN Việt Nam cần bảo hộ, tăng giá trị cho người sản xuất cà phê, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên - khu vực trọng điểm trồng cà phê Robusta.
"Cần sự tham gia của DN, cơ quan quản lý nhà nước giải quyết những vấn đề mấu chốt để phát triển ngành cà phê, như: chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm... Bên cạnh đó là chính sách tín dụng nông nghiệp nhằm hỗ trợ các HTX, nông dân; đồng thời có giải pháp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đặc biệt, cần chung tay xây dựng chuỗi giá trị liên kết từ người sản xuất đến khâu cuối cùng với hy vọng tạo ra sản phẩm cà phê cho nông dân, tạo ra thương hiệu cà phê của Việt Nam, qua đó cà phê Việt sẽ có chỗ đứng" - ông Thái Như Hiệp bày tỏ.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở Giao dịch Cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột, đưa ra quan điểm về việc cần một sở giao dịch cà phê bên cạnh những giải pháp đồng bộ để Việt Nam trở thành bên tạo lập giá thay vì phụ thuộc vào giá nước ngoài. Ông Hải phân tích: "Việt Nam có sản lượng cà phê Robusta chiếm tới 60% thị phần thế giới. Theo lẽ thường, chúng ta phải được quyết định về giá nhưng thực tế thì không. Bên cạnh đó, dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng cà phê Việt Nam không có thương hiệu, giá trị gia tăng mà nông dân nhận được rất thấp".
Về phía cơ quan quản lý, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho rằng để tăng giá trị cho cây cà phê, cần thực hiện giải pháp đồng bộ từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Đầu tiên, muốn giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, cần phát triển giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh... Sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào một cách có trách nhiệm, chẳng hạn: giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, chuyển sang phân bón hữu cơ... Đồng thời, cũng cần ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tưới cây để tiết kiệm nước; cơ giới hóa nông nghiệp giúp giảm chi phí...
"Phải tập trung phát triển cho được ngành sản xuất cà phê đáp ứng tiêu chuẩn thị trường. Nếu cứ duy trì cách làm như lâu nay thì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Chúng ta cần thay đổi! Muốn tạo ra sản lượng lớn, sản phẩm có chất lượng cao thì phải liên kết sản xuất, đưa nông dân vào HTX, liên kết nông dân với DN nhằm xây dựng vùng trồng sản lượng lớn phục vụ xuất khẩu" - ông Đoàn Ngọc Có chỉ rõ.
Báo Người Lao Động ký kết hợp tác với các đơn vị
Trong khuôn khổ chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Báo Người Lao Động với một số đơn vị gồm: Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Trung tâm Thương mại Gigamall Việt Nam, Công ty TRACODI - thành viên Tập đoàn Bamboo Capital, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op). Các đơn vị sẽ đồng hành với Báo Người Lao Động triển khai chương trình "Tôn vinh cà phê Việt" và một số hoạt động của báo.
Ông Trần Ngọc Tâm - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) - cùng ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, ký kết đồng hành Giải “Mai Vàng”, chương trình “Mai Vàng tri ân” và chương trình “Tôn vinh cà phê Việt”. Ảnh: HOÀNG TRIỀU