Chia sẻ tại diễn đàn kết nối nông sản 970 chiều 17/3, các Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Hải Dương, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Quảng Ngãi cho biết vụ hành 2022-2023 dù thời tiết thiếu thuận lợi, nhờ canh tác tốt, giá bán tăng mạnh, người trồng hành các tỉnh đều có lợi nhuận cao.
Tại Hải Dương - thủ phủ hành của miền Bắc - năn nay có tổng diện tích hành, tỏi đạt trên 6.600 ha, phân bố nhiều ở các huyện Kinh Môn, Nam Sách, Kim Thành.
Sở Nông nghiệp Hải Dương cho biết từ cuối tháng 12 đến nay, hành bán ra luôn ở mức giá cao 18.000-27.000 đồng một kg. Bình quân mỗi ha thu 275-415 triệu đồng, có thời điểm một ha cho thu nhập đến nửa tỷ đồng. Lãi thuần tuơng ứng 170-270 triệu đồng một ha.
Tại miền Nam, thủ phủ hành tím Vĩnh Châu (6.500 ha) cũng đang tất bật vào mùa. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng, từ năm 2010 trở lại đây, giá cả đầu vụ tăng cao nên nông dân bắt đầu đẩy mạnh diện tích trồng sớm. Nhờ vậy, người dân thoát cảnh "được mùa mất giá" và sức tiêu thụ nhanh, không tồn đọng. Hiện giá hành tại đây dao động 15.000-26.000 đồng một kg, tức mỗi ha thu được khoảng 70-100 triệu đồng.
Tương tự, tại Ninh Thuận, Quảng Ngãi, giá hành thu mua niên vụ 2022-2023 đều tăng 5.000-7.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, nông dân trồng hành các tỉnh này cũng có lợi nhuận cao.
Theo các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hành là cây trồng ngắn ngày nhưng năng suất cao. Năm nay, giá bán cao nên người nông dân có chủ trương gia tăng diện tích.
Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, tổng diện tích sản xuất hành cả nước đạt khoảng 14.000-15.000 ha, tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Hải Dương, Ninh Thuận, Quảng Ngãi.
Cục này cho rằng việc diện tích tăng ồ ạt đang gây áp lực cho bảo quản sau thu hoạch. Đặc biệt, hoạt động sản xuất hành hiện còn manh mún, khó truy xuất nguồn gốc, thiếu tính liên kết, khó kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm.
Lãnh đạo Công ty TNHH hành tím Huy Khánh cũng cho biết doanh nghiêp gặp khó khi mua hành xuất khẩu. Bởi các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận Global GAP hay GMP nhưng các vùng trồng tại địa phương phần lớn chưa có các chứng nhận này. Do đó, dù doanh nghiệp có đơn hàng lớn vẫn không thể xuất khẩu.
Trước thực trạng này, các doanh nghiệp cho rằng cần xây dựng thí điểm các vùng trồng theo hướng hữu cơ để được cấp các chứng nhận về tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến nhằm thuận tiện cho việc liên kết vùng tiêu thụ sản phẩm được ổn định, hạn chế bị ép giá, nâng cao giá trị của sản phẩm hành tím địa phương. Nhà nước cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với nông dân để tạo chuỗi giá trị bền vững.
Cục trồng trọt đề nghị các sở ngành hướng dẫn người dân áp dụng quy trình sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc để sản phẩm có đầu ra ổn định.
Trong khi đó, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường lưu ý, các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu cần nghiên cứu thị hiếu, quy định của thị trường nhập khẩu để đặt hàng nông dân. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá để vừa giữ được thị trường truyền thống, vừa mở rộng thị trường mới.
Thống kê từ Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hành, hẹ, tỏi của Việt Nam đạt khoảng 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021. Trong đó đa phần là đi các thị trường châu Á, chiếm hơn 90%, sau đó là châu Mỹ, châu Âu và châu Úc.
Tính riêng các quốc gia, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2022 là hơn 17 triệu USD, chưa kể kim ngạch của Đài Loan 6,6 triệu USD. Các thị trường xếp sau đó là Ấn Độ, Mỹ, Lào, Nhật Bản, Myanmar...
Thi Hà