Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 17/3 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng hiện niêm yết tại 66,45 – 67,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 1,1 USD lên 1.919,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng vọt lên trên 1.930 USD và đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,19 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.620 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.410 – 23.750 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 24.700 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích dần và lên trên 26.500 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,08 USD (+1,58%), lên 69,43 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,95 USD (+1,27%), lên 75,65 USD/thùng.
VN-Index giảm nhẹ
Đà hồi phục khá mong manh khi tâm lý chung của thị trường là thận trọng đã khiến VN-Index sau ít phút tăng nhẹ đã quay về gần tham chiếu và giằng co trong suốt cả phiên.
Thị trường đã kết phiên cuối tuần giảm nhẹ với số mã tăng giảm khá cân bằng và điểm tích cực nhất chính là thanh khoản cải thiện khá tốt khi lấy lại mức 1.000 tỷ đồng, phần nào nhờ sự đóng góp sôi động của khối ngoại bởi đây là ngày các quỹ ETF cơ cấu.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 69,29 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 728,52 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 17/3: VN-Index giảm 2,26 điểm (-0,22%), xuống 1.045,14 điểm; HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,14%), lên 204,47 điểm; UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,54%), lên 76,43 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tăng tích cực trong phiên thứ Năm (16/3), khi nhóm cổ phiếu ngân hàng phục hồi mạnh mẽ với động thái hỗ trợ First Republic Bank và tâm lý giới đầu tư ổn định sau những vụ việc liên quan đến SVB và Credit Suisse.
JP Morgan Chase & Co và Morgan Stanley đã sẵn sàng gửi tới 30 tỷ USD vào First Republic Bank để ổn định tình hình của ngân hàng này. Cổ phiếu của JP Morgan và Morgan Stanley theo đó đã lần lượt tăng 1,94% và 1,89%, trong khi First Republic Bank tăng 9,98%.
Kết thúc phiên 16/3, chỉ số Dow Jones tăng 371,98 điểm (+1,17%), lên 32.246,55 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 68,35 điểm (+1,76%), lên 3.960,28 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 283,22 điểm (+2,48%), lên 11.717,28 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, dẫn đầu là cổ phiếu các ngân hàng và điện tử, khi lo ngại giảm bớt về khủng hoảng tại ngân hàng SVB và Credit Suisse Group.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,2% lên 27.333,79 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,15% lên 1.959,42 điểm.
Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết: “Gói giải cứu từ các ngân hàng Mỹ đã trấn an niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng. Sự kiện gần đây cho thấy rằng các ngân hàng trung ương rất có thể sẽ giảm bớt việc tăng lãi suất, đây có thể là một thay đổi cơ bản đối với thị trường chứng khoán”.
Phiên này, cổ phiếu gã khổng lồ điện tử Sony Group Corp và tổ chức tài chính Mizuho Financial Group Inc, lần lượt tăng 3,52% và 1,96%, nằm trong số những cổ phiếu tăng điểm hàng đầu trên Nikkei 225.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, theo dõi mức tăng trên thị trường toàn cầu sau khi các ngân hàng Mỹ giải cứu First Republic Bank đang gặp khó khăn, trong khi các nhà đầu tư cũng vui mừng về dấu hiệu phục hồi kinh tế ở Trung Quốc.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,73% lên 3.250,55 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,5% lên 3.958,82 điểm và chỉ số này giảm 0,2% trong tuần.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã gom mua cổ phiếu Trung Quốc, với lượng mua ròng ở nước ngoài thông qua chương trình kết nối chứng khoán Hồng Kông – Đại lục vượt 7 tỷ nhân dân tệ (1 tỷ USD), ghi nhận dòng tiền ròng một ngày lớn nhất kể từ đầu tháng Hai. Lượng mua ròng ở nước ngoài trong tuần này đạt tổng cộng gần 15 tỷ nhân dân tệ (2,2 tỷ USD).
“Sau các mục tiêu kém khả quan hơn về kinh tế của chính phủ vào tuần trước, tâm lý nhà đầu tư đã bắt đầu phục hồi khi dữ liệu vĩ mô cho tháng 1 và tháng 2 trở nên lạc quan và xác nhận rằng đà phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc đang đi đúng hướng,” các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục nhờ việc các nhà chức trách ở Mỹ và Thụy Sĩ hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng sâu hơn trong hệ thống ngân hàng bằng các kế hoạch bơm thanh khoản.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,64% lên 19.518,58 điểm và tăng 1% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,06% lên 6.615,71 điểm.
Các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng, với Tập đoàn Alibaba tăng 1,2% và Tencent tăng 1%. Nhà điều hành sòng bạc Macau Galaxy Entertainment tăng 2,5% và nhà phát triển Longfor Group tăng 3,1%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng khi các biện pháp giải cứu giúp giảm bớt lo lắng của nhà đầu tư về tình trạng hỗn loạn ngân hàng toàn cầu.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 17,78 điểm, tương đương 0,75% lên 2.395,69 điểm và chỉ số này đã tăng 0,05% trong tuần.
Chỉ số tài chính chính tăng 0,80% và chỉ số phụ ngành chứng khoán tăng 0,89%. Tuy nhiên, cả 2 đều kết thúc tuần giảm lần lượt là 2% và 2,81%.
Dẫn đầu mức tăng phiên này là cổ phiếu nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 2,34% và SK Hynix tăng 6,33%.
Nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 3,99% và công ty mẹ LG Chem giảm 3,84%. Samsung SDI và SK Innovation lần lượt giảm 2,44% và 0,8%.
Kết thúc phiên 17/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 323,18 điểm (+1,20%), lên 27.333,79 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,65 điểm (+0,73%), lên 3.250,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 314,68 điểm (+1,64%), lên 19.518,59 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 17,78 điểm (+0,75%), lên 2.395,69 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Mừng lãi suất, lo khó vay
Tín dụng đến nửa đầu tháng 3/2023 chỉ tăng hơn 1%, hàng loạt ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Mặc dù lãi suất điều hành và lãi suất huy động đã hạ nhiệt, song nhiều yếu tố cho thấy, dòng tín dụng chưa thể sớm khai thông..>> Chi tiết
- Giải pháp để thị trường trái phiếu "hạ cánh mềm"
Nếu thị trường trái phiếu vẫn đóng băng như hiện nay thì các doanh nghiệp tốt có thể bị ảnh hưởng, khiến các trái phiếu tốt cũng không còn tốt nữa..>> Chi tiết
- Mirae Asset chỉ ra 2 nhóm cổ phiếu là "tia sáng" trong bối cảnh lãi suất hạ nhiệt
Giữa những áp lực đến từ thế giới gần đây, Mirae Asset vẫn thấy một vài tia hy vọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ những cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và các cổ phiếu bất động sản lành mạnh vì bị định giá thấp..>> Chi tiết
- Goldman Sachs: Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã làm tăng tỷ lệ suy thoái của Mỹ trong năm tới lên 35%
Goldman Sachs vừa tăng xác suất xảy ra suy thoái ở Mỹ khi tình trạng hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn ra..>> Chi tiết