Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô Việt Nam (VIVA) gồm 12 doanh nghiệp thành viên vừa gửi kiến nghị này đến Chính phủ, Bộ Công Thương, Tài chính.
Trước đó, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài chính, Công Thương nghiên cứu ưu đãi phí trước bạ với ôtô lắp ráp trong nước sau kiến nghị của các hiệp hội, địa phương. Đề xuất này được ra trong bối cảnh thị trường xe ảm đạm, doanh số sụt giảm mạnh.
Theo VIVA, các doanh nghiệp ngành xe đang phải gồng mình đối phó với lượng hàng tồn kho cao do sức mua trên thị trường giảm đột ngột. Cùng với đó, hoạt động đăng kiểm 2 tháng gần đây khó khăn khiến lượng tồn kho càng tăng lên, gây áp lực tài chính lớn với các doanh nghiệp.
Với các hãng xe nhập khẩu, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn so với các hãng xe lắp ráp trong nước. Trong tháng đầu năm nay, lượng xe nhập nguyên chiếc tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2022 lên hơn 12.800 xe. 3 tháng cuối năm ngoái, số lượng xe nhập về Việt Nam cũng tăng gấp 3.
Vì vậy, đại diện 12 doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cho rằng cơ quan quản lý cần có giải pháp hỗ trợ công bằng giữa hai loại xe nhập và lắp ráp trong nước. VIVA cho biết ủng hộ giảm 50% lệ phí trước bạ, nhưng chỉ trong trường hợp cùng giảm cho cả hai loại xe.
Ôtô sản xuất trong nước đã hai lần được giảm 50% lệ phí trong ba năm gần đây, còn xe nhập khẩu không được hưởng chính sách này. VIVA cho rằng đã có sự phân biệt ưu đãi quốc gia, vi phạm điều III.4 của hiệp định chung về thuế quan thương mại (GATT) mà Việt Nam đã ký kết.
Năm 2022, chính sách giảm 50% phí trước bạ kéo dài đến hết ngày 31/5 đã giúp mức tiêu thụ ôtô trên thị trường Việt Nam đạt mức kỷ lục- lần đầu vượt mốc nửa triệu xe.
Trong đợt giảm đầu tiên năm 2020, số thu lệ phí trước bạ theo chính sách giảm 7.314 tỷ nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước từ ôtô tăng 14.110 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2020, lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là hơn 102.900 xe, bình quân gần 17.600 xe một tháng. Nửa cuối năm, số xe đăng ký gấp đôi.
Anh Tú