Đến luật sư cũng bị đòi nợ vô cớ
Trong vài năm gần đây, với sự phát triển của mạng xã hội, một vấn đề nhức nhối là không ít người bỗng dưng bị đòi nợ vô cớ, ép trả tiền cho người khác.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, khách mời của ChatToday, chia sẻ anh cũng từng rơi vào tình huống tiêu cực này.
Ông cho biết bỗng dưng một ngày có người gọi điện tới để hỏi thông tin về một người quen. Sau khi ông cho biết có quen người này, phía đòi nợ yêu cầu ông phải nhắc bạn trả nợ cho ứng dụng cho vay tiền. Khi luật sư này không đồng ý thì phía bên kia liên tiếp có những hành vi xúc phạm, chửi rủa thậm chí đăng ảnh cá nhân kèm hình bàn thờ lên mạng xã hội.
Luật sư Hà chia sẻ ông nhận nhiều cuộc gọi liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng thông qua các ứng dụng hoặc khách hàng của dịch vụ cầm đồ. Điều họ phàn nàn là muốn kết thúc hợp đồng trước thời hạn đối với những ứng dụng này nhưng lãi suất yêu cầu rất cao.
Hai là khi những người này không thanh toán được khoản nợ đúng hạn thì liên tục bị quấy rối. Việc làm phiền, quấy rối còn được triển khai với cả bạn bè, gia đình, đồng nghiệp của họ.
Vì sao tồn tại những kiểu đòi nợ bất hợp pháp?
Theo ông Hà, hiện nay các bên đòi nợ thường không kiện ra tòa hay ra cơ quan tư pháp giải quyết. Nguyên nhân bởi các công cụ tòa án thường có thời gian xử lý lâu trong khi số tiền nhỏ. Vì vậy họ thường sử dụng các biện pháp vi phạm pháp luật như tìm điểm yếu của con nợ hoặc tác động đến tâm lý đến người thân, bạn bè để gây áp lực.
Ngân hàng Nhà nước có những quy định chặt chẽ về việc thu hồi nợ. Ví dụ như không được nhắc nợ quá 5 lần trong một ngày, không được sử dụng hành vi ép buộc, xúc phạm danh dự nhân phẩm của con nợ.
Theo quy định của Luật Đầu tư, loại hình công ty đòi nợ thuê đã bị giải thể nhưng luật sư cho biết hiện có những biến tướng thông qua thành lập công ty luật. Những công ty này sử dụng các nhân viên kinh doanh để đòi nợ, giao chỉ tiêu thu hồi nợ và sử dụng tất cả biện pháp trong đó có cả vi phạm pháp luật như bôi xấu trên mạng xã hội, đe dọa, gọi điện cho người thân, đồng nghiệp, sử dụng các biện pháp phi đạo đức, bất hợp pháp.
Cách xử lý đúng pháp luật
Khi bị gọi điện làm phiền bởi bên đòi nợ, nhiều người có những cách phản ứng khác nhau như không nghe máy, chặn số hay nổi nóng chửi bới lại. Lời khuyên của ông đối với tình huống này là bình tĩnh và dùng các biện pháp về pháp luật.
Đầu tiên, người bị làm phiền khi nhận cuộc gọi có thể ghi âm, thu thập các tin nhắn hay hình ảnh. Sau đó, cá nhân nên tiến hành báo cáo tới cơ quan chức năng. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã có đường dây nóng, thư điện tử liên quan đến phản ánh tình trạng làm phiền khi đòi nợ.
Ngoài ra, người bị làm phiền nên báo công an lập chuyên án điều tra tình trạng đòi nợ vô cớ như trên. Đối với những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm sau khi thu thập được bằng chứng nên gửi tới các cơ quan chức năng. Những biện pháp này góp phần đấu tranh chống nạn đòi nợ thuê bất hợp pháp đang tồn tại hiện nay.