Sáng 18/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (siêu uỷ ban) và 19 tập đoàn, tổng công ty.
Uỷ ban này cho biết đến cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, trong đó công ty mẹ chiếm hơn 55% (955.000 tỷ). Tổng tài sản hợp nhất các doanh nghiệp này trên 2,44 triệu tỷ đồng, công ty mẹ giữ gần 67% trong số này, tức hơn 1,63 triệu tỷ.
Như vậy, vốn nắm giữ của các "ông lớn" khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tài sản các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước.
Năm ngoái, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty này đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% và lợi nhuận trước thuế gần 83.170 tỷ đồng (trên 3,5 tỷ USD), tăng trên 23% so với 2021. Các doanh nghiệp nộp ngân sách hơn 191.780 tỷ đồng, tăng 8%.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nguồn lực lớn nhưng đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa tương xứng; hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp so với nguồn lực nắm giữ. Tổng lãi trước thuế năm 2022 đạt 83.167 tỷ đồng, chỉ bằng 75,16% so với 2018.
Về đầu tư, số doanh nghiệp này chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư nhà nước, 10% đầu tư toàn xã hội năm 2021. Năng lượng (điện, than) là lĩnh vực chiếm tỷ trọng đầu tư lớn, với tổng giá trị năm 2021 khoảng 125.950 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá vai trò quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty trong xây dựng, phát triển hạ tầng với nhiều dự án trọng điểm, động lực cao. Tuy vậy, Bộ này cũng chỉ ra thực tế các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ nguồn lực, tài sản lớn nhưng chưa huy động, khai thác hiệu quả; hoạt động đầu tư mang tính đơn lẻ, thiếu gắn kết. Các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng đầu tư các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì thế vai trò, vị thế của doanh nghiệp quy mô lớn không như kỳ vọng.
Cơ quan này nhận xét có rất ít dự án, công trình mới được khởi công thời gian qua. Hầu như các tập đoàn, tổng công ty chỉ làm tiếp dự án dở dang, hoặc xử lý dự án còn tồn đọng. Việc xử lý dự án thua lỗ, yếu kém đòi hỏi tập trung nguồn lực, nên một số doanh nghiệp có tâm lý e ngại rủi ro, không muốn thực hiện dự án mới. Trong số các dự án đầu tư, hiện có 10 dự án lớn, quan trọng bị chậm tiến độ nhiều năm, với số vốn khoảng 259.000 tỷ đồng.
"Có nghịch lý là trong khi có những doanh nghiệp gặp khó khăn thu xếp nguồn vốn như dự án điện, dầu khí, vẫn còn đơn vị có vốn nhàn rỗi", báo cáo Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu.
Về hoạt động của Siêu uỷ ban, sau 5 năm, Bộ Chính trị kết luận và đồng ý cơ quan này vẫn thuộc Chính phủ, đại diện chủ sở hữu và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng cần tìm mô hình tổ chức để đổi mới hoạt động của Uỷ ban. Các cơ chế, chính sách, mô hình quản trị doanh nghiệp cũng cần hoàn thiện, đổi mới để các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động và vận hành linh hoạt.
Dự kiến sau hội nghị, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị hoặc nghị quyết để nâng cao hoạt động của các doanh nghiệp quy mô lớn trong giai đoạn phục hồi, phát triển.
Anh Minh