Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, nghiêm túc thực hiện đồng thuận lãi suất huy động không quá 9,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn, bao gồm cả khuyến mãi. “Nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn, theo dõi các trường hợp ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và sẽ có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng này” - Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Ngay sau chỉ đạo này, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Mức giảm phổ biến từ 0,5-0,9%, tùy ngân hàng và tùy từng kỳ hạn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, lãi suất huy động mà nhân viên nhiều ngân hàng mời chào khách đang cao hơn so với lãi suất niêm yết công khai. Cùng một ngân hàng nhưng mỗi chi nhánh sẽ áp dụng mức lãi suất khác nhau. Như tại ngân hàng P., lãi suất huy động trong tháng 3 đã giảm 0,6% ở nhiều kỳ hạn. Kỳ hạn 6 tháng được niêm yết còn 7,9%/năm, kỳ hạn 7 và 8 tháng còn 8%, kỳ hạn 9 và 10 tháng là 8,1%, kỳ hạn 11 tháng là 8,2%, kỳ hạn 12 tháng là 8,4%/năm, kỳ hạn từ 15-36 tháng còn 8,8%/năm. Nhưng tại một phòng giao dịch ngân hàng này ở quận 10, TPHCM, khi chúng tôi hỏi về việc gửi tiền, một nhân viên cho biết, nếu gửi 200 triệu đồng kỳ hạn 12 tháng thì có thể xin nâng lãi suất để chúng tôi được hưởng lãi suất mức 10,7%/năm. Còn nếu để sang đầu tuần thì lãi suất có thể sẽ chỉ còn 10,4%/năm.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, một số ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn |
Khi chúng tôi đề cập việc gửi tiền, một nhân viên phòng giao dịch ngân hàng P. tại quận 3, TPHCM cam kết lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên đến 11,2%/năm nếu số tiền gửi nhiều hơn khoảng 500 triệu đồng, nếu kỳ hạn 13 tháng thì lãi suất lên tới 11,5%/năm, kỳ hạn 15 tháng thì lãi suất là 11,8%/năm.
Trên website ngân hàng K., lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ còn 8,8% (đã giảm 0,5% so với hồi tháng 2 vừa qua), kỳ hạn 12 tháng còn 8,9%/năm (giảm 0,3% so với hồi tháng 2). Thế nhưng lãi suất thực tế khách gửi tiết kiệm sẽ cao hơn mức niêm yết. “Phòng giao dịch nào kinh doanh hiệu quả thì có thể huy động lãi suất cao hơn. Nếu kỳ hạn 6 tháng thì lãi suất là 10,3%, kỳ hạn 12 tháng là 10,4%/năm, chị còn được cộng thêm lãi suất được chi trả bằng tiền mặt là 0,38% hoặc có thể nhận vali và tiền mặt là 500.000 đồng” - một nhân viên tại phòng giao dịch ở quận Phú Nhuận, TPHCM nói.
Hay như tại ngân hàng S., nếu gửi số tiền dưới 1 tỉ đồng kỳ hạn 6 tháng thì lãi suất niêm yết trên website là 7%, kỳ hạn 12 tháng là 7,5%/năm, mức lãi suất cao nhất chỉ 8%/năm dành cho kỳ hạn 36 tháng. Thế nhưng nếu khách gửi kỳ hạn 12 tháng vẫn có thể hưởng mức lãi suất trên 10%/năm.
Nhân viên một số ngân hàng khác như N., H., V... cũng cho biết có thể xin thêm mức lãi suất thực tế trên 10%/năm đối với gửi kỳ hạn 12 tháng, số tiền chỉ từ 200 - 500 triệu đồng. Nếu số tiền cao hơn thì lãi suất có thể lên đến 11-12%/năm.
Dù Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành nhưng chính sách thường có độ trễ, cộng với việc lãi suất huy động “ngầm” tại các ngân hàng còn khá cao nên lãi suất cho vay thực tế vẫn chưa giảm nhiều. Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 17/3, lãi suất vay mua nhà tại các ngân đã giảm nhưng chỉ giảm trong thời gian ưu đãi, sau ưu đãi lãi suất vẫn khá cao. Như tại OCB, lãi suất ưu đãi trong 6 tháng là 11% nhưng sau ưu đãi lên tới 16%/năm. Tại VIB, lãi suất trong thời gian ưu đãi 6 tháng là 12% nhưng sau ưu đãi là 15,2%/năm. Tại TPBank, lãi suất ưu đãi trong 6 tháng là 8,5% nhưng sau ưu đãi là 14,56%/năm. Lãi suất ưu đãi tại Pvcombank trong năm đầu là 12% nhưng sau ưu đãi là 15,5%/năm…
Riêng mức lãi suất cho các doanh nghiệp vay trong 1 năm vẫn là trên dưới 12%, và trên 10% nếu vay ngắn hạn 6 tháng.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.1457841a-tey-mein-noh-oac-taus-ial-iov-iug-neit-gnod-yuh-gnah-nagn-ueihn/nv.moc.enilnounuhp.www