Chiều 17-3, Cục Hải quan TP.HCM có buổi gặp mặt báo chí thông tin về vụ việc bốn tiếp viên hàng không (TVHK) của Vietnam Airlines vận chuyển ma túy từ Pháp về Việt Nam, trên chuyến bay mang số hiệu VN10.
Các cơ quan chức năng đã kiểm tra trực tiếp, thử mẩu, kết quả cho thấy có bốn TVHK cất giấu trong hành lý thuốc lắc và kêtamin. Gồm 8,3 kg dạng viên nén (thuốc lắc), hơn 3 kg (kêtamin), tổng trọng lượng hơn 11,3 kg.
Quá trình làm việc ban đầu, bốn TVHK này cho rằng tại Pháp có một người (chưa xác định danh tính) nhờ "xách tay một số hàng hóa về nước" và trả công hơn 10 triệu đồng. Do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài, các tiếp viên chỉ xem qua loa vài tuýp kem và không thấy có gì bất thường. Khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện.
Trước đây, hàng hóa mà nhân viên hàng không vận chuyển trái phép vào Việt Nam là tiền, vàng, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, hàng điện tử... Với hành vi vận chuyển ma túy như lần này, các TVHK sẽ phải đối diện với trách nhiệm pháp lý như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM thông tin về vụ việc. Ảnh: TỰ SANG |
Trao đổi với PV trưa 18-3, TS Phan Anh Tuấn, giảng viên Khoa Luật Hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng cần phải có đầy đủ thông tin mới có thể đưa ra nhận định chính xác hành vi của các TVHK có phạm phải tội vận chuyển trái phép chất ma túy, theo Điều 250 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hay không.
Phạm tội mua bán trái phép chất ma túy nếu biết rõ mục đích mua bán của người nhờ giữ hộ
Để xác định bốn nữ TVHK có phải chịu TNHS hay không thì CQĐT phải làm rõ ý thức chủ quan và động cơ, mục đích vận chuyển số ma tuý này.
Theo đó, trong quá trình xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ, nếu có đủ cơ sở để xác định nhóm TVHK này biết là ma tuý nhưng vẫn vận chuyển về Việt Nam thì các cô sẽ bị truy cứu TNHS về tội Vận chuyển trái phép chất ma tuý.
Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì trường hợp đối với người giữ hộ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó, thì bị truy cứu TNHS về tội mua bán trái phép chất ma túy với vai trò đồng phạm.
Bên cạnh chứng minh ý thức chủ quan của các TVHK thì CQĐT cũng phải trưng cầu giám định trọng lượng, loại, hàm lượng ma túy trong những tang vật đã thu giữ để làm căn cứ định khung hình phạt.
Luật sư HOÀNG KIM MINH CHÂU, Đoàn Luật sư TP.HCM
TS Anh Tuấn phân tích: Để có thể kết luận một người có hành vi phạm tội theo Điều 250 BLHS thì về mặt chủ quan của cấu thành tội phạm, phải chứng minh được họ phạm tội do lỗi cố ý.
Nói cách khác, nếu các TVHK chứng minh được họ có hành vi vận chuyển ma túy do lỗi vô ý, thì những người này có thể thoát trách nhiệm hình sự (TNHS).
Tuy nhiên, theo TS Anh Tuấn, việc bốn nữ TVHK chứng minh mình vô ý vận chuyển số ma túy nêu trên là rất khó khăn. Bởi lẽ, quy trình giao nhận hàng hóa, nhất là đối với ngành hàng không được thực hiện rất chặt chẽ và nghiêm ngặt. Mặt khác, các nữ TVHK là người được đào tạo bài bản về quy trình nghiệp vụ hàng không, họ rất hiểu chuyện này, nên không thể nói là không biết.
“Hành vi của các nữ TVHK đã có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Cơ quan có thẩm quyền nên nhanh chóng tiến hành khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ” - TS Anh Tuấn nêu quan điểm.
Đồng tình, ThS Võ Văn Tài, Phó trưởng Khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, phân tích thêm: Về mặt khách quan của cấu thành tội phạm theo Điều 250 BLHS thì người phạm tội sử dụng các phương tiện đường bộ, đường thủy, đường hàng không… nhằm vận chuyển chất ma túy từ địa điểm này sang một địa điểm khác.
“Các TVHK đều hiểu rõ đường hàng không là một kênh để các đối tượng lựa chọn vận chuyển, buôn bán ma túy. Quy trình giao nhận hàng hóa, nghiệp vụ kiểm tra hàng hóa thì các TVHK nắm rất rõ. Do đó, sẽ là vô cùng khó khăn để họ chứng minh sự vô can trong trường hợp này” - ThS Văn Tài nhận định.
Những vụ vận chuyển trái phép qua đường hàng không
Giữa năm 2022, chín tiếp viên của một hãng hàng không Việt Nam bị nhà chức trách của Úc giữ lại trong cuộc truy quét của lực lượng biên giới và cảnh sát Australia. Chín tiếp viên này bị tình nghi rửa tiền với số tiền 60.000 đô la Australia (AUD) được chia nhỏ, cất giấu trong hành lý.
Ngày 10-3-2015, cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong sau khi hoàn thành chuyến bay từ Hà Nội đến sân bay quốc tế Gimhae (Pusan, Hàn Quốc), đã bị phát hiện giấu 6 kg (6 thỏi vàng, mỗi thỏi vàng là 1 kg) dưới đế giày khi đi qua hệ thống máy dò kim loại của sân bay. Trong đó, tiếp viên Phong giấu 2 thỏi và cơ trưởng Dũng giấu 4 thỏi vàng.
Tháng 9-2013, tiếp viên Bùi Ngọc Tuấn của Vietnam Airlines bị an ninh sân bay Nội Bài phát hiện mang 50 điện thoại iPhone 5S từ Paris (Pháp) nhưng không khai báo. Vụ việc sau đó được bàn giao cho Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ công an Hà Nội để điều tra, làm rõ.
Năm 2011, tiếp viên hàng không Thái Anh Tiến cùng người mẫu Vĩnh Thụy bị xử hình sự do liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ từ nước ngoài về TP HCM.