Nhà bị mưa dột nhưng không được sửa chữa
Dự án đường Ngô Mây nối dài được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt năm 2019, với kinh phí hơn 396 tỉ đồng, do Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh (Ban QLDAGT) làm chủ đầu tư. Dự án đi qua địa bàn phường Quang Trung và Ngô Mây, dài gần 1,4 km, rộng 33 m, từ ngã ba Hoàng Văn Thụ - Ngô Mây đến giáp với đường Điện Biên Phủ thuộc Khu đô thị - Du lịch – Văn hoá – Thể thao hồ Phú Hoà.
Theo dự kiến, đến năm 2023 sẽ hoàn thành gần 1,4 km đường để đưa vào sử dụng, tuy nhiên đến nay dự án vẫn án binh bất động vì chưa giải phóng xong mặt bằng. Liên quan đến dự án này, nhiều người dân phản ánh về việc đền bù chưa thoả đáng, và không biết khi nào dự án tiếp tục triển khai.
Bà Văn Thị Đến (58 tuổi, ngụ khu vực 1, phường Quang Trung) cho biết, giá hỗ trợ đền bù quá thấp nên bà chưa nhận tiền. “Căn nhà 44 m2, có đổ gác lửng, nhưng họ đo đạc rồi nói mua lại đất 200 triệu đồng, phần nhà 200 triệu đồng là 400 triệu đồng. Nhưng đến hiện tại thì tôi vẫn chưa biết khu tái định cư chỗ nào, giá bao nhiêu. Nếu giá đất khu tái định cư bằng giá mà họ mua đất của tôi, thì tôi mới dám nhận” bà Đến nói.
Ông Bùi Văn Đức (ngụ phường Ngô Mây) chỉ căn nhà dột nát của mình và bức xúc cho biết, cơ quan chức năng đã tiến hành đo đạc nhà của ông hai, ba năm trước nhưng đến nay vẫn chưa nói gì chuyện đền bù. “Chính quyền đã tiến hành đo đạc, sau đó im re đến nay. Nhà bị nứt, mưa thì dột nước tràn nhưng mấy năm qua vẫn không được sửa chữa” ông Đức nói.
Người dân phản ánh không được sửa nhà do nằm trong vùng dự án. Ảnh QN |
Một người dân ở phường Ngô Mây, cho rằng người dân địa phương mong muốn cơ quan ban ngành phải đền bù thoả đáng cho họ, đồng thời sớm triển khai dự án để người dân an tâm sinh sống.
“Nhà tôi thuộc trường hợp phải giải toả để phục vụ dự án, nhưng từ khi đo đạc đến nay đã hai ba năm rồi nhưng không thấy đá động gì nữa. Nhà bị dột nước nhưng không dám sửa chữa. Người dân cứ thấp thỏm không biết đền bù hỗ trợ như thế nào, dự án bao giờ triển khai tiếp” người này nói.
Vướng giải phóng mặt bằng
Bà Hồ Thị Kim Ngọc, Chủ tịch UBND phường Ngô Mây, cho biết nhà của người dân xây dựng đã lâu nhưng phần lớn không có giấy chứng nhận QSDĐ, phường cũng tạo điều kiện cho những hộ có nhà xuống cấp, dột nát được sửa chữa đơn giản, thay mái để đảm bảo an toàn.
“Đối với những hộ trong vùng dự án, địa phương kiến nghị tỉnh nên có chính sách riêng để tạo điều kiện cho người dân, khi giải phóng mặt bằng người dân có chỗ ở mới để ổn định cuộc sống” bà Ngọc nói.
Bà Văn Thị Đến vẫn chưa nhận tiền vì cho rằng hỗ trợ đền bù quá thấp, không thể mua lại đất chỗ khác để làm nhà. Ảnh QN |
Trong khi đó, phía UBND TP Quy Nhơn, cho biết dự án đường Ngô Mây nối dài ảnh hưởng 196 hộ gia đình và hai tổ chức. Hiện nay, công tác xác minh nguồn gốc đất đã hoàn thành. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ sáu đợt cho 58 hộ với số tiền hơn 33 tỉ đồng.
“Thành phố đang triển khai dự án khu tái định cư tại phường Quang Trung với diện tích hơn 4 ha để bố trí cho các hộ dân trong vùng dự án đường Ngô Mây nối dài. Thành phố đang phấn đấu đến sang năm sẽ hoàn thành khu tái định cư, lúc đó mới xem xét bố trí cho các hộ được xét tái định cư” ông Nguyễn Công Vịnh, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết.
Trao đổi với PLO, ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban QLDAGT tỉnh Bình Định, cho biết hiện nay vướng mắc lớn nhất là việc giải phóng mặt bằng. “Việc giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh giao cho UBND TP Quy Nhơn thực hiện.
Tuy nhiên hiện nay, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa triển khai xong, nên chưa thể triển khai dự án. Phía Ban cũng đã hợp đồng với đơn vị thi công, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể tiến hành được. Đơn vị đã báo cáo UBND tỉnh về những vấn đề trên” ông Phong nói.