Nhóm ngân hàng là nguyên nhân chính khiến Vn-Index giảm điểm
Thông tin từ việc 2 ngân hàng của Mỹ là Silicon Valley bank (SVB) và Signature bank "sụp đổ" đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ lửa trong phiên đầu tuần. VN-Index ổn định hơn so với diễn biến chung của thế giới, trong 3 phiên đầu tuần chỉ số Vn-Index thậm chí còn tăng hơn 10 điểm so với mức đóng cửa cuối tuần trước lên vùng trên 1.060 điểm.
Áp lực bán vùng này đã kéo VN-Index lùi về chốt tuần tại 1.045,14, giảm nhẹ 7,84 điểm (-0,75%) so với tuần trước, mặc dù có thông tin hỗ trợ giảm lãi suất vào phiên giữa tuần. Đồng thời, đây cũng là tuần cơ cấu danh mục của các quỹ ETF với lượng mua nhiều hơn bán.
Diễn biến phân hóa đã xuất hiện trong tuần khi trong nội bộ các ngành có sự biến động khác nhau. Cụ thể ngành Ngân hàng có các mã VPB, TPB ảnh hưởng tích cực đến VN-Index trong khi VCB, BID, ACB, STB và TCB ở chiều ngược lại; Ngành hàng không, VJC tăng 8,3% trong khi HVN giảm 6,1%...
Nhìn chung nhóm ngân hàng là nguyên nhân chính khiến VN-Index mất 6,1 điểm trong tuần.
Thanh khoản tuần này tăng so với tuần trước chủ yếu là do dòng tiền từ khối ngoại, trong khi dòng tiền nội tỏ ra thận trọng. Thanh khoản trên toàn thị trường hôm thứ sáu (17/3) đạt 11.338 tỷ đồng, tăng 7,5% so với phiên trước đó, qua đó đưa thanh khoản bình quân tuần này cao hơn 18% so với tuần trước.
Khối ngoại trở lại mua ròng cả 5 phiên trong tuần với tổng giá trị đạt gần 2.400 tỷ đồng. Các quỹ ETF là bên giao dịch chính khi các quỹ FTSE và Vaneck thực hiện cơ cấu danh mục kỳ quý I/2023, ngoài ra quỹ Fubon cũng tiến hành giải ngân số tiền huy động của quỹ trong tuần sau khi đăng ký phát hành thêm khoảng gần 4.000 tỷ đồng chứng chỉ quỹ.
Trong danh sách mua ròng, HSG được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 329 tỷ đồng, POW đứng thứ 2 với giá trị 295 tỷ đồng và SSI thứ 3 khi được mua ròng 274 tỷ đồng.
Trong tuần xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực ảnh hưởng lớn đến VN-Index, tuy nhiên chỉ số vẫn duy trì được mốc hỗ trợ quan trọng tại MA 20 tuần (1.039). Chuyên gia phân tích chứng khoán Phạm Bình Phương (MAS VN) đánh giá "đây là dấu hiệu tương đối tích cực, ủng hộ cho việc duy trì xu hướng hồi phục từ đầu tháng 3/2023 đến nay. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức khả quan. Hệ số P/E của VN-Index đạt 13,6x".
Cổ phiếu bất động sản phân hóa
Kết thúc tuần, nhóm ngành bất động sản có 38 mã tăng giá, 19 mã đứng giá và 64 mã giảm giá. Số lượng mã giảm giá áp đảo hoàn toàn, trái ngược hẳn với tuần trước đó.
Dẫn đầu top 20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần qua là SGR của Tổng Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (HoSE), tăng 23,3% từ 13.200 đồng/CP của tuần trước lên 16.150 đồng/CP của tuần này. SGR có chuỗi 3 phiên liên tiếp chốt tại sắc tím và bùng nổ về thanh khoản. Nếu như tuần trước đó, thanh khoản trung bình 1 ngày chỉ vài ngàn đơn vị, thì tuần qua, có tổng 331.600 đơn vị được khớp lệnh.
Cổ phiếu SGR tăng mạnh trong bối cảnh công ty này vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ. Trong đó, SGR đặt mục tiêu năm 2023 đạt tổng giá trị đầu tư 2.340 tỷ đồng, gấp 8,2 lần năm trước. Doanh thu đạt 906 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế 315 tỷ đồng, tăng lần lượt 39% và 46% so với năm trước.
Về phân phối lợi nhuận, SGR trình ĐHĐCĐ phương án chia tổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% vốn điều lệ, tương đương 60 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3/2023.
5 mã cổ phiếu tiếp theo trong top cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần là những mã thuộc loại thanh khoản cực thấp: EFI (+14,3%), HD8 (+13,8%), MH3 (+11%), LEC (+9,4%), VPI (+8,8%).
Đáng chú ý trong top 20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh có NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE) tăng 8%, từ 10.650 đồng/CP của tuần trước lên 11.500 đồng/CP tuần này. Có tổng 63.430.400 cổ phiếu NVL được sang tay thành công.
Tuần qua, Novaland có 2 tin tức nổi bật, con gái ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT mua vào gần 20 triệu cổ phiếu NVL và Novaland bổ nhiệm CEO là cựu TGĐ Gamuda Land Việt Nam.
Ông Dennis Ng Teck Yow đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc của Tập đoàn Novaland thay cho ông Nguyễn Ngọc Huyên từ 17/3/2023. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại trường Đại học Hull, Anh Quốc; là thành viên của nhiều Hiệp hội về Tài chính - Ngân hàng và Xây dựng quốc tế.
DXG (+4%) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HoSE), VRE (+5,4%) của Công ty Cổ phần Vincom Retail (HoSE), HQC (+3,8%) của Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HoSE), PDR (+3,8%) của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE), CRE (+6%) của Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (HoSE) có thêm 1 tuần giao dịch tích cực, chốt tại sắc xanh.
Ở chiều ngược lại, VHD của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex (UpCOM) dẫn đầu top giảm giá mạnh nhất tuần qua. VHD giảm 26,6%, từ 13.900 đồng/CP còn 10.200 đồng/CP. VHD có 2 phiên giảm hết biên độ. Tuy nhiên, cổ phiếu này thuộc loại thanh khoản cực kì "èo uột", tuần qua chỉ khớp lệnh vỏn vẹn 200 đơn vị.
Hầu hết các mã cổ phiếu trong top giảm điểm là những mã thanh khoản thấp. Đáng chú ý trong top này là NLG của Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE). NLG giảm 5,7% so với tuần trước, sở hữu 4/5 phiên giao dịch chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, NLG giảm từ 25.300 đồng/CP xuống còn 23.850 đồng/CP.
Ngày 13/3, ông Phạm Đình Huy, Giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu NLG.
Tuần này, thị trường được hỗ trợ bởi thông tin giảm lãi suất nhưng có thể thấy lực cầu nội cũng không mấy hào hứng. Về kỹ thuật, khả năng thị trường lại duy trì trạng thái đi ngang trong biên độ hẹp ở tuần sau, thanh khoản cũng được dự báo sẽ giảm so với tuần này.
Theo MBS, nhà đầu tư không nên lướt sóng trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Vùng hỗ trợ cho chỉ số VN-index ở khu vực 1.030 - 1.033 điểm, thanh khoản thấp nên dòng tiền cũng không lưu trú quá 1 vòng T+ ở các nhóm cổ phiếu tín hiệu như: đầu tư công, dầu khí, thép, sản xuất điện,…
Xem thêm: lmth.98281000042210202-aoh-nahp-nas-gnod-tab-ueihp-oc/nv.semitaer