Hiện đa số doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và mở rộng đầu tư trung, dài hạn. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14 - 15% trong năm 2023, nhưng 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,77%, bằng 1/3 mức tăng của cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành ngày 14/3 của FiinRatings cho thấy, tính đến ngày 8/3, số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu đã lên đến con số 67, trong đó có 63 doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu nợ thông qua việc giãn kỳ hạn. Trong bối cảnh đó, việc khơi thông dòng vốn là mấu chốt của thị trường tài chính Việt Nam hiện nay, đặc biệt có ý nghĩa sống còn với thị trường bất động sản.
Khơi thông dòng vốn là vấn đề mấu chốt
Ngày 10/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 213/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Quyết định 689/QĐ-TTg về đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.
Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành cuối năm 2022, với mục tiêu đến năm 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới; đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các ngân hàng đã bán cho Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) về mức dưới 3%.
Đề án cũng nêu yêu cầu nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan.
Trao đổi tại Tọa đàm Giải pháp khơi thông dòng vốn, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, khai thông dòng vốn đang là vấn đề mấu chốt của thị trường tài chính Việt Nam hiện nay. Trong đó, quan trọng là xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, cải tổ toàn diện hệ thống ngân hàng.
Hiện nhiều ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và cho vay bất động sản lớn nên phải sẵn sàng nguồn dự phòng rủi ro cho trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, nếu tình hình thị trường tiếp tục diễn biến xấu. Trong năm nay, một lượng lớn trái phiếu ngân hàng nắm giữ đến kỳ đáo hạn, trong đó, phần nhiều thuộc về doanh nghiệp bất động sản, nếu doanh nghiệp không thể thanh toán, thì hệ số CAR (an toàn vốn) của ngân hàng sẽ bị kéo xuống, từ 11,69% (năm 2022) xuống dưới 10%, một con số rất khiêm tốn so với các ngân hàng trong khu vực. Về lâu dài, các ngân hàng vẫn phải liên tục tăng vốn để cải thiện CAR và nâng cao khả năng phòng thủ.
Vậy chúng ta có thể chờ đợi gì từ chính sách tiền tệ của NHNN? Ngày 15/3/2023, NHNN thông báo giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 6%/năm, nhưng lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.
“Động thái hạ lãi suất có thể xem là sự nới lỏng chính sách tiền tệ và thúc đẩy tinh thần thị trường phấn khởi hơn, nhưng theo tôi, hạ lãi suất trong thời gian này là hơi vội khi Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất và tạo áp lực rất lớn lên chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia”, ông Hiếu nói.
Về vấn đề khai thông nguồn vốn qua những chính sách, chương trình hỗ trợ, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, gói 40.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm, kỳ vọng sẽ là đòn bẩy phục hồi nền kinh tế nhưng đang triển khai quá chậm. Riêng với gói 120.000 tỷ đồng, khi lãi suất hiện tại rơi vào khoảng 15%/năm, ưu đãi 1,5 - 2%/năm thì vẫn còn 13%/năm, là mức lãi suất rất cao đối với người mua nhà.
Do đó, để khơi thông nguồn vốn hiệu quả, TS. Hiếu đề nghị, trước hết cần cải thiện chất lượng tài sản của ngân hàng: “Chúng ta cần làm cho cơ thể ngành ngân hàng lành mạnh hơn. Các ngân hàng nên minh bạch con số và thông tin về nợ xấu để tất cả các thành phần kinh tế cùng nhau giải quyết. Thứ hai, VAMC đã xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, vấn đề là Bộ Tài chính cần làm sao để cho sàn giao dịch này thông thoáng hơn, từ đó có thể bán nợ xấu.
Thứ ba, Nghị quyết 42 ban hành năm 2017 của Quốc hội sắp tới sẽ hết hạn 5 năm và có thể được gia hạn hoặc chuyển đổi thành luật để xử lý nợ. Tôi rất mong nghị quyết này sẽ trở thành luật hơn là gia hạn để vấn đề xử lý nợ được bài bản. Cuối cùng, hãy thanh tra và xử lý những ngân hàng yếu kém, vi phạm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp”.
Trao đổi thêm với Reatimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ông đồng tình với việc Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp đàm phán với trái chủ để gia hạn nợ trong thời hạn 2 năm và hoãn nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp đến tháng 1/2024. Tuy nhiên, vấn đề của trái phiếu chủ yếu do niềm tin của thị trường đang xuống thấp nên Nghị định 08 chưa thể tăng cường và duy trì niềm tin cho nhà đầu tư khi hoãn xếp hạng tín nhiệm.
“Lúc này có thể khuyến khích doanh nghiệp chủ động minh bạch thông tin và thực hiện xếp hạng tín nhiệm bằng những quyền lợi “mồi” nhất định, như khi xếp hạng tín nhiệm, họ có thể phát hành trái phiếu và đi vay ngân hàng dễ dàng hơn, đặc biệt xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ được vay lãi suất thấp. Quy luật của thị trường sẽ kiểm soát vấn đề này, khi các nhà đầu tư lớn, có tổ chức, những quỹ hưu trí chỉ chú ý đến các cổ phiếu đã được xếp hạng. Các doanh nghiệp cần làm quen dần với một thị trường cạnh tranh và minh bạch.
Một giải pháp khác có thể đưa ra cho thị trường hiện tại, nhưng cần ngân hàng hỗ trợ, đó là doanh nghiệp chấp nhận giảm giá 50% để tạo thanh khoản, còn nếu để mức giá lơ lửng thì không có giao dịch và thị trường có nguy cơ sụp đổ. Vấn đề là nếu doanh nghiệp bán giá thấp như vậy sẽ không đủ để trả nợ cho ngân hàng, vậy nên phải có giải pháp cho các ngân hàng. Đó là NHNN cho phép các ngân hàng xóa nợ. Dĩ nhiên các ngân hàng thương mại sẽ lỗ nhưng vẫn còn có lãi bù đắp, còn doanh nghiệp chịu lỗ, phá sản hoặc để hoang các khu đô thị, các dự án treo thì sẽ thiệt hại chung cho cả nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN có thể tái cấp vốn cho NHTM bù vào phần thiệt hại, thông qua việc cho các ngân hàng này vay nợ. Nhưng giải pháp này còn cần đồng bộ với các giải pháp khác”, ông Hiếu đề xuất.
Bức tranh kinh tế nằm ở vấn đề trái phiếu doanh nghiệp
“Thực chất ở thị trường tài chính chỉ có yếu tố trái phiếu doanh nghiệp là chúng ta cần quan tâm. Trong đó các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn về dòng vốn lại nắm giữ lượng trái phiếu đến hạn rất lớn. Rõ ràng bức tranh kinh tế nằm ở đây và nếu chúng ta khơi thông 'nút thắt' này thì tình hình sẽ tích cực hơn”, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh tại tọa đàm.
Về phía Chính phủ, chúng ta có Nghị quyết 86/NQ-CP về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, có Nghị định 65/2022/NĐ-CP, Nghị định 08/2023/NĐ-CP về phát hành, giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Mỗi lần có nghị quyết, nghị định, tâm lý thị trường cứ thăng hoa rồi lại chùng xuống. Câu hỏi đặt ra là liệu Nghị định 08 đã trúng vấn đề thị trường cần hay chưa?
Nghị định 08 với quy định cho phép lùi thời hạn trả nợ tối đa 2 năm và nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. Nhưng chúng ta lưu ý, quy định này thực chất là cho dư địa để doanh nghiệp đàm phán, còn thành công hay không là phụ thuộc vào quyết định của trái chủ, bao gồm nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức.
“Do đó, để khơi thông dòng vốn, tôi xin đề xuất nhà đầu tư tổ chức là các ngân hàng thương mại, các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, các trái chủ nhìn bức tranh vĩ mô rộng ra, tính toán áp dụng luôn Nghị định 08, xem xét, cân nhắc giãn nợ cho doanh nghiệp trong hai năm như Nghị định đã nêu”, ông Nam nói.
Đối với quy định cho phép đổi tài sản, ông Nam lưu ý cân nhắc về vấn đề định giá. Bất động sản trị giá 30 triệu đồng/m2 nhưng lại định giá 50 triệu đồng/m2 thì trái chủ cũng khó chấp nhận. Như vậy, nguồn vốn đang có ách tắc và mỗi bên phải lùi lại một chút, không chỉ cố giữ lại quyền lợi của mình, thì mới tìm được tiếng nói chung để tạo điều kiện khơi thông cho các kênh vốn.
Mặt khác, nếu xét từ bản chất của hoạt động tài chính, doanh nghiệp đầu tư phải có lãi, hoặc dự án phải có hiệu quả. Nhưng có doanh nghiệp triển khai hơn 50 dự án cùng lúc, có doanh nghiệp dùng đòn bẩy gấp 30 lần vốn chủ (theo số liệu của Bộ Tài chính). Như vậy, doanh nghiệp có lẽ đã có một kế hoạch kinh doanh rủi ro nên rất cần cân nhắc cơ cấu lại.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí là cần công khai, minh bạch. Thực ra, 20 năm nay thị trường chứng khoán vẫn duy trì điều này, tuy nhiên, thời điểm này chúng ta cần có một thị trường trái phiếu doanh nghiệp tập trung, để ít nhất chúng ta quan sát được dữ liệu, để từ đó cơ quan quản lý vĩ mô có thể đưa ra các quy định an toàn ở một mức độ nào đó.
“Đặc biệt, chúng ta cần cơ sở dữ liệu, có thông tin để nhà đầu tư phân biệt được chất lượng trái phiếu, chủ động quản lý rủi ro. Như ở sàn chứng khoán, nhà đầu tư mua chứng khoán phái sinh hay upcom, ATC thì đều có mức lỗ nhất định nhưng họ chủ động chấp nhận rủi ro nên không có kiện cáo gì. Đối với trái phiếu, vấn đề là hãy cung cấp thông tin để các trái chủ chủ động quản lý rủi ro. Điều này cần có sự kiểm soát từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.
Về phía ngân hàng, để khơi thông dòng vốn cũng cần có sự tích cực, trong đó, buộc phải xem xét gian hạn thời hạn trả nợ, phân loại nợ hay chuyển nhóm nợ như thế nào cho phù hợp. Nếu vội vàng, chỉ cần có vấn đề về thanh khoản thì hệ lụy sẽ ảnh hưởng đến chính các ngân hàng.
Kể cả phía Chính phủ cũng cần thực hiện nhanh hơn, quyết liệt hơn nữa để nhà đầu tư dần hồi phục. Thời gian là tiền, Chính phủ cần phản ứng nhanh hơn trước các sự việc trên thị trường như đưa ra cam kết ngay để ổn định tâm lý thị trường”, ông Nam kiến nghị.
Xem thêm: lmth.48281000042210202-tuhc-tom-ial-iul-iahp-neb-iom-nov-gnourt-iht-gnoht-iohk-ed/nv.semitaer