Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, học sinh và giáo viên nhận định dự thảo tổ chức thi tốt nghiệp nói trên phù hợp với chương trình giáo dục mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số băn khoăn.
Giảm áp lực
Ông Trần Công Tuấn - hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM - nhận định dự thảo quy định có bốn môn thi bắt buộc và hai môn thi tự chọn là khá phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Hiện nay học sinh cũng thi sáu môn, nhưng các em quá áp lực với việc thi theo tổ hợp. Trên thực tế, rất ít học sinh chọn cả ba môn của tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội để xét tuyển vào đại học. Ví dụ học sinh chỉ cần lý, hóa hoặc hóa, sinh nhưng phải thi đủ ba môn lý, hóa, sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó, tâm lý học sinh là các em sẽ chỉ chú trọng đến những môn học mình sử dụng để xét tuyển vào đại học. Nhưng nhà trường và giáo viên thì lo lắng, không thể để cho học sinh của mình học theo kiểu được chăng hay chớ. Thế là đôi khi giữa hai bên có những bất đồng. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh thi theo môn là giảm bớt áp lực cho học sinh" - ông Tuấn chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Hùng Khương - phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM - cũng đánh giá việc bỏ thi theo tổ hợp là điểm tích cực nhất của dự thảo thi tốt nghiệp THPT lần này, phù hợp với định hướng phát triển năng lực học sinh cũng như định hướng chọn lựa nghề nghiệp của các em.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT thi theo tổ hợp như hiện nay là mệt mỏi cho cả thí sinh và cán bộ coi thi khi trong một buổi phải hoàn thành ba bài thi. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên bậc THPT ở TP.HCM cũng chia sẻ nếu dự thảo thi tốt nghiệp sau 2025 đi vào hiện thực thì kỳ thi sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với hiện nay.
"Trong điều kiện các trường ĐH vẫn giữ nguyên các khối thi truyền thống thì việc thi tốt nghiệp THPT bao gồm sáu môn, trong đó bốn môn bắt buộc văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và hai môn tự chọn thì những học sinh chọn khối A1, D1 rất lợi thế. Chưa kể, các môn tự chọn cũng có thêm môn mới như công nghệ, tin học là rất tiến bộ, đảm bảo quyền lợi của người học" - ông Khương nói thêm.
Mừng và lo với môn sử
Em Trần Trung Kiên - học sinh lớp 9 ở TP Thủ Đức, TP.HCM - cho biết "em rất vui" khi đọc dự thảo về thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT.
"Thứ nhất là môn tin học đã được đưa vào danh sách môn tự chọn để thi. Các thầy cô của em nói rằng việc đưa môn tin học vào kỳ thi tốt nghiệp là bắt kịp thời đại vì môn này ngày càng được nhiều học sinh yêu thích cũng như mức độ phổ biến của nó.
Thứ hai là môn lịch sử đã trở thành môn thi bắt buộc. Cái này thì em vừa mừng vừa lo. Môn lịch sử mà vẫn dạy - học - thi như hiện nay thì quá nặng. Năm 2022, chị của em chọn tổ hợp khoa học xã hội để thi tốt nghiệp. Chị nói môn học khiến chị mất thời gian nhiều nhất là môn lịch sử.
Chị em nói học nhiều như vậy nhưng sau khi thi xong thì chị quên hết. Em mong đến năm chúng em thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT hãy cải tiến cách ra đề thi để học sinh không phải học thuộc lòng nhưng có hiểu biết về môn sử thì vẫn làm bài được" - Trung Kiên đề xuất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một giáo viên môn sử ở quận Bình Tân (TP.HCM) cũng tâm tư rằng: "Nếu Bộ GD-ĐT không đổi mới mạnh mẽ cách ra đề môn sử thì dù có bắt buộc cũng không cải thiện được thái độ của giới trẻ đối với môn sử.
Một số học sinh thẳng thắn nói với tôi không những môn sử có quá nhiều bài mà các em còn phải học thuộc lòng toàn những dữ kiện lịch sử. Trong khi lịch sử có nhiều cái hay hơn, hấp dẫn giới trẻ hơn thì đề thi lại không hỏi đến...".
Nên miễn thi tin học cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế
Ông Nguyễn Hùng Khương cũng góp ý là để chuẩn bị cho việc thi tốt nghiệp môn tin học thì các địa phương, các trường cần chuẩn bị về cơ sở vật chất ngay từ bây giờ để có thể hiện thực hóa chủ trương này. "Hoặc Bộ GD-ĐT nên có quy định giống như môn ngoại ngữ, học sinh có chứng chỉ tin học quốc tế sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT" - ông Khương đề nghị.
TTO - Lãnh đạo các trường ĐH, chuyên gia tuyển sinh tiếp tục đặt vấn đề tính trung thực, nghiêm túc, công bằng của kỳ thi THPT 2020 khi dự thảo quy chế thi giao hết việc làm thi cho địa phương.