Ngày 20-11, tại TP.HCM, diễn ra sự kiện giao lưu với ba nhà văn Dạ Ngân, Lưu Vĩ Lân, Lại Văn Long về chủ đề ký ức lịch sử, sự nghiệp sáng tác và vai trò của các nhà văn đương đại Việt Nam.
Chương trình do lớp Dịch văn học (LIT310) Trường đại học Fulbright Việt Nam tổ chức.
Dạ Ngân khuyên không lặp lại chính mình
Ngoài chia sẻ kỷ niệm liên quan đến chiến tranh Việt Nam, các nhà văn còn đưa ra những ý kiến về việc đưa văn học Việt Nam ra quốc tế.
Nhà văn Dạ Ngân cho rằng sứ mệnh của các nhà văn đương đại trong việc lan tỏa văn học Việt Nam trước hết là phải viết cho hay.
Bà nói: "Nhà văn cứ viết mà không cần nghĩ tác phẩm sẽ được dịch ra nước nào. Sứ mệnh của nhà văn là phải tập trung viết hay. Sau đó là phải khác với những cuốn sách trước của mình.
Khi viết 10 cuốn thì phải khác hết 10. Nếu như đạt được điều đó thì sẽ lan tỏa, sẽ được giải thưởng, được dư luận quan tâm, từ đó tự khắc sẽ có người dịch và đưa tác phẩm của mình ra thế giới".
Một trong những nhà văn viết hay mà tác giả Gia đình bé mọn yêu thích là Nguyễn Ngọc Tư. Bà thích văn của Nguyễn Ngọc Tư vì có ngôn ngữ thuần Nam bộ nhưng được hàn lâm hóa một cách có ý thức.
Nguyễn Ngọc Tư cống hiến từ ngữ Nam bộ cho kho từ ngữ Việt Nam, người miền Bắc đọc tới đọc lui sẽ hiểu vì Tư đặt chữ đúng văn cảnh và rất đắt giá.
"Nguyễn Ngọc Tư tự đọc, tự học nhiều, vì vậy mà đọc sách của cô ấy, sẽ thấy ngày càng minh triết. Tài năng và thiên lương của nhà văn lớn cho nên mới làm được những điều trên" - nhà văn Dạ Ngân trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Còn đối với Lại Văn Long, ông nghĩ bên cạnh sự nỗ lực của các nhà văn thì sự góp sức của nhà nước chính là "đòn bẩy" hiệu quả đưa văn học Việt Nam ra thế giới, đây chính là điều mà tác giả Hồ sơ lửa mong mỏi từ lâu.
"Vấn đề dịch thuật trong nhiều năm qua còn hạn chế, chỉ thỉnh thoảng mới có vài tác phẩm được dịch.
Trong số đó, đa phần không thông qua cơ quan chuyên môn mà được chuyển ngữ dựa vào mối quan hệ cá nhân của các nhà văn hoặc đến từ nhu cầu tìm hiểu văn học Việt Nam của một số người nước ngoài.
Đây không phải quy trình dịch bền vững, có bề sâu làm cho nền văn học Việt Nam đủ sức bật lên.
Bên cạnh đó, đa phần tác phẩm dịch đều đã cũ, ít chú trọng văn học lúc đổi mới, chính vì vậy tôi mong sẽ có nhiều tác phẩm viết về thời hiện đại" - ông Long nói.
"Người yêu dấu" sắp được xuất bản tại Mỹ
Trong nỗ lực đưa văn học Việt Nam ra thế giới, cuốn tiểu thuyết Người yêu dấu của nhà văn Dạ Ngân sắp có phiên bản tiếng Anh phát hành tại Mỹ.
Bà "bật mí" với Tuổi Trẻ Online rằng việc ký kết hợp đồng đã xong, bây giờ ê kíp ở Mỹ đang chuẩn bị biên tập và làm bìa.
Dự kiến đầu năm 2024 sẽ chính thức xuất bản.
Trước Người yêu dấu, tác phẩm Gia đình bé mọn chính là quyển sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất của nhà văn Dạ Ngân.
Sách đã có bản tiếng Anh, tiếng Pháp. Bản tiếng Hàn đang trong quá trình dịch.
Nói về sự khác nhau của hai tác phẩm, Dạ Ngân nói Gia đình bé mọn là cuốn tiểu thuyết tự truyện về chủ đề tình yêu, gia đình, gia tộc, chiến tranh và thời hậu chiến.
"Còn Người yêu dấu có dung lượng 'mỏng và nén', vấn đề được nêu ra cụ thể là 'khi trao vũ khí vào tay con người thì sẽ có xu hướng lạm sát, bản thân con người bị kích động khi cầm được vũ khí giết người trong chiến tranh'.
Cuốn sách đã có một góc nhìn khác về chiến tranh", tác giả bày tỏ.
Nhà văn Bảo Ninh nói đời sống xã hội làm cho những người lính như ông dịu đi những 'chấn thương' vì chiến tranh, chứ tự thân mỗi người thì không làm được.