Chính phủ Israel và Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas của Palestine vừa đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong 24 giờ sau khi công bố, theo đó dự kiến các con tin được thả vào sáng 23-11 (giờ địa phương).
Đó là kết quả của năm tuần đàm phán căng thẳng, bí mật giữa các bên: Mỹ, Qatar, Ai Cập, Israel và Hamas.
Căng thẳng hạ nhiệt
Trong thời gian ngừng bắn từ 4-5 ngày theo thỏa thuận, Israel sẽ tạm dừng các hoạt động tấn công quân sự vào Dải Gaza, trong khi Hamas sẽ thả 50 trong số khoảng 240 con tin mà họ và các nhóm chiến binh khác đang giam giữ.
Bên cạnh đó, với mỗi 10 con tin được thả thêm, lệnh ngừng bắn sẽ được kéo dài thêm một ngày nữa. Cũng trong khuôn khổ thỏa thuận sẽ có thêm viện trợ nhân đạo, vật tư y tế và nhiên liệu được chuyển đến hỗ trợ người dân ở Dải Gaza. Những người bị thương cũng sẽ được sơ tán.
Qatar đã xác nhận các nỗ lực hòa giải "thành công" với sự tham gia của Ai Cập và Mỹ, đồng thời cho biết thỏa thuận bao gồm những giới hạn chung mà các bên đã chấp nhận. Ngoài những điểm đáng chú ý ở trên thì tuyên bố của Qatar cho biết thỏa thuận "kéo dài trong bốn ngày" và "có thể được gia hạn". Dù những chi tiết chưa được công bố, thỏa thuận cho thấy hòa hoãn là có thể và lối ra cho xung đột vẫn chưa bị đóng lại.
Thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng vì đây là thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra ngày 7-10 với bên phát động là Hamas. Hậu quả cho tới nay là vô cùng khốc liệt khi Israel đã san phẳng những vùng đất rộng lớn ở Gaza, nơi sinh sống của khoảng 2,3 triệu người.
Các quan chức Palestine cho biết ít nhất 14.100 người đã thiệt mạng, trong khi theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, khoảng 1,7 triệu người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa. Hamas cũng đã giết chết ít nhất 1.200 người trong cuộc tấn công vào Israel hôm 7-10. Với những thiệt hại đáng kể trong hơn sáu tuần qua, thỏa thuận, dù không bao gồm các cam kết lâu dài, cũng sẽ giúp giảm thiểu tổn thất và thương vong.
Hòa bình vẫn mong manh
Dù thế thì ở thời điểm hiện tại, thỏa thuận ngừng bắn và tương lai an ninh khu vực vẫn rất bấp bênh. Trong cuộc họp nội các ngày 21-11, Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố: "Chúng ta đang có chiến tranh và chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chiến cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu của mình".
Thông điệp "sắt đá" của ông Netanyahu cho thấy khả năng cao là cuộc chiến vẫn sẽ tiếp tục. Sau khi "đưa tất cả con tin về nhà", chính quyền Netanyahu có thể sẽ "quay lại" với cuộc chiến nhằm tiêu diệt Hamas.
Thỏa thuận ngừng bắn có thể làm gia tăng áp lực quốc tế đối với Israel nhằm ngăn quốc gia này tiếp tục cuộc chiến trong bối cảnh các thiệt hại về con người và vật chất ở Dải Gaza ngày càng trầm trọng.
Ngay cả Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, cũng bày tỏ lo ngại về thiệt hại nặng nề mà cuộc chiến gây ra cho dân thường ở Gaza. Nếu không chịu được áp lực, cả trong và ngoài nước, chính quyền của ông Netanyahu có thể phải dừng cuộc chiến mà không thể đạt được mục tiêu là tận diệt lực lượng Hamas như họ mong muốn.
Tình trạng hòa hoãn tạm thời vẫn tốt hơn là một cuộc chiến kéo dài và căng thẳng leo thang. Thỏa thuận ngừng bắn cho thấy các bên vẫn có thể đối thoại để tìm ra giải pháp
dù không đơn giản. Tuy vậy, Israel và Hamas có thật sự nghiêm túc với cam kết và an ninh khu vực của họ hay không? Thực tế những ngày tới sẽ trả lời cho điều đó và vấn đề này sẽ tiếp tục định hình những diễn biến tiếp theo của an ninh khu vực.
Nhiều nước hoan nghênh thỏa thuận
Chính quyền Palestine, Trung Quốc, Nga, Anh, EU và Jordan ngày 22-11 đã đồng loạt hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và việc trả tự do cho con tin vừa đạt được giữa Israel và Hamas.
Ngoại trưởng Anh David Cameroon xem đây là "một bước quan trọng" giúp gia đình các con tin đang bị bắt giữ được nhẹ lòng và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. "Tôi kêu gọi tất cả các bên đảm bảo thỏa thuận được thực hiện đầy đủ", ông Cameroon nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen khẳng định EC sẽ cố gắng hết sức tận dụng thỏa thuận ngừng bắn để tăng cường các nỗ lực cứu trợ nhân đạo ở Dải Gaza.
Chính quyền Palestine, Trung Quốc, Nga, Anh, EU và Jordan ngày 22-11 đã đồng loạt hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trả tự do cho con tin giữa Israel và Hamas.