Giữa núi rừng u tịch ở xứ sở xa xôi nhất Quảng Ngãi, thành tích của Kỹ như kỳ tích của một cộng đồng, được ví như người thắp lửa cho giáo dục miền sơn cước mà việc phổ cập giáo dục vẫn là mục tiêu phấn đấu.
Không muốn khổ như cha mẹ mình
Ngôi trường Kỹ học ở huyện miền núi xa xôi, cách TP Quảng Ngãi 80km. Ở đây, việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao nhận thức cho người dân vẫn là nỗi vất vả của chính quyền. Cái chữ được phụ huynh giao hết cho thầy cô, thậm chí thầy cô phải đi tìm trò ra lớp mỗi ngày.
Nhà Kỹ ở Trà Thanh, vùng đất heo hút giữa những ngọn núi dựng ngược, là xã nghèo nhất tỉnh. Mỗi mùa giáp hạt, Nhà nước phải hỗ trợ gạo để người Cor vượt cái đói.
Hồi tiểu học, khi bạn bè lười đến trường, Kỹ không bỏ lớp buổi nào, còn kéo bạn bè ra lớp, chỉ bạn học bởi "Em muốn mọi người thấy người Cor cũng học rất giỏi và có thể thay đổi cuộc đời bằng con chữ".
Có lẽ chính những cuộc rượu bí tỉ của cha, những lần hết gạo bụng đói đến lớp là động lực thúc đẩy đứa con của núi rừng ấy cố gắng từng ngày.
Kỹ so sánh những anh chị đồng bào mình, người nào có chữ thì cuộc sống luôn khá hơn những người bỏ học sớm và nói đồng bào mình chỉ thay đổi khi con chữ là hành trang.
Hết cấp 1, Kỹ rời làng, vượt 25km đến trường dành cho học sinh dân tộc nội trú. Ấy cũng là lần đầu Kỹ khóc vì nhớ nhà. Con chữ là điều duy nhất giữ chân cậu ở lại, tự hứa không được dừng học dù bất kỳ lý do gì.
"Học nội trú tại trường giúp mình có thêm động lực, không để thầy cô nhắc nhở mà phải chủ động học bài. Mình không muốn nghèo như những người ở làng", Kỹ chia sẻ.
Thầy Nguyễn Thanh Sang - giáo viên môn lịch sử - bảo chưa nghe thầy cô nào phiền hà về Kỹ. Bạn là người kỷ luật hiếm có, trên lớp nghe giảng và đưa ra ý kiến tranh luận nếu thấy chưa hợp lý hoặc khó hiểu. Hết giờ học, người ta lại gặp Kỹ ở thư viện trường.
"Phát hiện Kỹ có niềm đam mê lịch sử nên tôi hỗ trợ em theo đuổi môn học này. Kỹ nắm bắt rất nhanh, sắp xếp khoa học những dữ kiện lịch sử nên biến những điều khó nhớ thành đơn giản" - thầy Sang nói.
Với Kỹ, lịch sử không chỉ là học thuộc lòng như nhiều người vẫn nghĩ mà cần học hiểu, phân tích sự kiện, nắm rõ bản chất. Kỹ yêu thích việc hệ thống lại những sự kiện bằng sự hiểu biết. "Học tốt lịch sử giúp em phát triển tư duy phân tích dữ kiện và hỗ trợ học các môn khác", Kỹ tâm sự.
Niềm tự hào của người Cor
Hồ Thanh Kỹ là học sinh người dân tộc thiểu số duy nhất trong số 23 giải nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 tỉnh Quảng Ngãi năm học 2022 - 2023. Nhưng thầy Sang và ban giám hiệu nhà trường không quá bất ngờ dù ấy là thành tích hiếm có.
"Chuẩn bị kỳ thi này, tôi không ôn tập nhiều mà chỉ trò chuyện cùng Kỹ. Tôi có nói với đồng nghiệp chắc chắn Kỹ sẽ đoạt giải cao. Giải nhất này sẽ giúp Kỹ kiên định hơn với lựa chọn con chữ của mình" - thầy Sang nói.
Kỹ đã có hai giải nhì cấp huyện trong hai năm liên tiếp, trước khi bước lên bục cao nhất kỳ thi cấp tỉnh. Kết quả của Kỹ làm cả vùng râm ran, người Cor tự hào với đứa con của bản làng. Già làng Hồ Minh Sơn (83 tuổi) - người có uy tín trong cộng đồng người Cor - lâng lâng cảm xúc khi nói về Kỹ.
Ông là người Cor hiếm hoi học lớp 10/10 thời chiến tranh. Cái chữ đã giúp ông trở thành thủ lĩnh trong công cuộc thay đổi tập tục canh tác, xóa đi cái đói triền miên ở xã Trà Tân quê ông. "Xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ thời chúng tôi dần lùi vào dĩ vãng, giờ người Cor phải vươn lên.
Tôi mừng với thành tích của Kỹ và hy vọng những đứa trẻ người Cor nhìn vào đó mà cố gắng. Chỉ có cái chữ mới giúp bản làng khấm khá lên được. Kỹ là niềm tự bào của người Cor chúng tôi", già làng Sơn nói.
Kỹ phần nào chứng minh người Cor dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng đang nỗ lực xóa dần khoảng cách của miền ngược với miền xuôi. Kỹ biết phía trước vẫn còn nhiều ngọn núi tri thức cần phải chinh phục, khó hơn cả leo những ngọn núi ở Trà Bồng.
Bạn vẫn đang nỗ lực, càng không muốn leo bằng tay chân như cha mẹ quần quật rẫy rừng mà đói nghèo vẫn bủa vây.
Bà Đinh Thị Thu Hương - trưởng Phòng giáo dục và đào tạo huyện Trà Bồng - cho biết huyện sẽ làm lễ vinh danh Hồ Thanh Kỹ.
"Em ấy là tấm gương để học sinh miền núi noi theo học hỏi, xứng đáng là niềm tự hào của gia đình, nhà trường và huyện nhà" - bà Hương nói.
Như bao cô gái lớn lên ở bản, Hảng Thị Lỳ đã không ít lần nhỏ to nghe câu xì xầm "con gái học cao làm gì, rồi cuối cùng cũng lấy chồng sinh con, nên học ít thôi".
Xem thêm: mth.81495023291303202-roc-oab-gnod-auc-oah-ut-mein/nv.ertiout