Theo đài Sputnik, trích dẫn các phân tích tính toán cho thấy giá trị tài sản ngân hàng sụt giảm, các nhà nghiên cứu nêu rõ tất cả những ngân hàng được liệt kê đều gặp phải các vấn đề tương tự như SVB.
Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia kinh tế Erica Xuewei Jiang của Đại học Nam California, Gregor Matvos của Trường Quản lý Kellogg của Đại học Northwestern, Tomasz Piskorski của Đại học Kinh doanh Tài chính Columbia và Amit Seru của Đại học Stanford cảnh báo các ngân hàng dễ bị tổn thương trước làn sóng rút tiền ồ ạt của những người gửi tiền không được bảo hiểm – nguyên nhân dẫn tới vụ phá sản của SVB.
Vào ngày 10/3, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) thông báo họ sẽ tiếp quản SVB sau khi ngân hàng này trở thành nhà cho vay lớn thứ hai sụp đổ trong lịch sử Mỹ và là công ty lớn nhất phá sản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Các nhà kinh tế đã chỉ ra "mức độ rủi ro tài sản" của các ngân hàng Mỹ khi hệ thống ngân hàng trung ương của nước này tiếp tục tăng lãi suất nhằm xác định những tác động tiềm tàng đối với sự ổn định tài chính.
Sổ trái phiếu mà ngân hàng nắm giữ, tổn thất giá trị thị trường và tỷ lệ vốn chủ sở hữu là những yếu tố được đưa vào nghiên cứu để đánh giá. Nhóm nghiên cứu giải thích trái phiếu kho bạc và các khoản vay thế chấp là hai loại tài sản dễ bị giảm giá trị khi trái phiếu mới đưa ra mức lãi suất cao hơn.
Nhóm đã tính toán các yếu tố tương tự dẫn đến sự sụp đổ của SVB có khả năng ảnh hưởng như thế nào đến tất cả các ngân hàng của Mỹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy gần 190 ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ tổn thất tiềm ẩn nếu một nửa số người gửi tiền không được bảo hiểm ồ ạt rút tiền.
Không chỉ vậy, 300 tỷ USD tiền gửi được bảo hiểm có thể bị thua lỗ. Trong trường hợp xảy ra các vụ phá sản liên tiếp, FDIC sẽ phải can thiệp.
Nghiên cứu kết luận: “Tính toán của chúng tôi cho thấy các ngân hàng này chắc chắn có nguy cơ bị phá sản nếu không có sự can thiệp hoặc tái cấp vốn khác của chính phủ".
Các khách hàng của SVB đã đồng loạt rút tiền gửi không được bảo hiểm sau khi số trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn mà ngân hàng này nắm giữ nhanh chóng sụt giảm trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED - tức Ngân hàng trung ương Mỹ) tiếp tục chiến dịch tăng lãi suất không ngừng. Các cuộc sát hạch về sức ép của FED với các ngân hàng lớn nhất của Mỹ trong năm 2022 đã không tính đến kịch bản lãi suất tăng mạnh.
Trong số những nguyên nhân dẫn đến vụ phá sản của SVB, các chuyên gia tài chính đặc biệt chú ý tới sự yếu kém của ngân hàng này trong quản lý rủi ro.
Trong vấn đề quản lý rủi ro, rủi ro lãi suất là điều được biết đến rộng rãi và không khó để giải quyết. Các ngân hàng quản lý rủi ro này bằng việc dự phòng, mua các hợp đồng kỳ hạn hoặc các công cụ tài chính khác có thể tăng giá trị để bù lại những thiệt hại do việc bán trái phiếu khi chính sách thay đổi.
Ông Clifford Rossi, cựu Giám đốc phụ trách quản lý rủi ro của Citigroup và là Giáo sư tại Đại học Maryland, ngạc nhiên trước mức độ dự phòng rủi ro thấp của SVB. Ông ước tính chương trình dự phòng của ngân hàng này phải tăng gấp đôi quy mô.
Vào cuối năm 2022, SVB báo cáo giá trị chứng khoán đầu tư 120 tỷ USD, chiếm 55% tổng tài sản, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của các ngân hàng Mỹ.
Một sự việc đưa đến sự phá sản của SVB là ngân hàng này công bố vào ngày 8/3 việc đã bán 21 tỷ USD chứng khoán với mức lỗ 1,8 tỷ USD để huy động tiền mặt chi cho các hoạt động. Giáo sư kinh tế Kris James Mitchener tại Đại học Santa Clara ở California cho rằng nếu SVB có đủ chương trình dự phòng thì sẽ có đủ lợi nhuận để bù lại những thiệt hại do việc bán các tài sản liên quan đến trái phiếu với mức giá lỗ.