Anh Ng.H.T. (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) thường hay tụ tập uống vài chai bia với bạn bè vào mỗi buổi chiều khi tan ca.
Sau đó anh thường chạy xe máy về nhà nghỉ ngơi. Nhưng mấy tháng qua, anh T. đã thay đổi thói quen của mình. "Tôi tạt về nhà cất xe hoặc có bữa nếu xác định nhậu là để xe ở quán và đón Grab hoặc taxi về" - anh T. bộc bạch.
Công khai xử phạt, không "núp lùm"
Theo anh T., thời gian qua lực lượng công an xử lý rất nghiêm về vi phạm nồng độ cồn. "Hôm rồi anh bạn tôi nhậu xong chạy xe về bị CSGT tuýt còi vô đo nồng độ cồn, vi phạm nên bị phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái xe hơn một năm. Không chỉ bị phạt, về nhà, anh bạn còn bị vợ la cho một tăng" - anh T. kể.
Cũng như anh T., anh N.Đ.P. (cán bộ tại UBND một quận ở Đà Nẵng) cho biết cuối tuần gia đình anh thường đi ăn với nhóm bạn học. "Hôm nào đi có vợ thì tôi uống vài chai bia rồi bả chở về, còn nếu đi một mình phải đón Grab" - anh P. cho hay.
Trong khi đó, anh Đông (chủ một quán nhậu ở quận Hải Châu) cho biết số lượng dân nhậu hằng đêm tại quán trong những ngày qua có giảm. Một số người trước đây đi làm về thường tạt qua quán nhậu luôn, nay họ đi Grab, taxi. "Quán tôi cũng khuyên họ nên đi như vậy cho an toàn, hoặc gửi xe lại quán, hôm sau tới lấy" - anh Đông nói.
Phòng CSGT Công an Đà Nẵng đã công khai nội dung kế hoạch tuần tra và xử lý vi phạm hành chính của các đội, trạm thuộc phòng trên fanpage Facebook. Trong đó có nêu cụ thể từng tuyến đường, thời gian (24h/7 ngày), loại xe, hành vi vi phạm tập trung kiểm soát.
Ông Tự Cường (quận Liên Chiểu) nhận xét rằng việc công an công khai tuyến đường và thời gian kiểm tra, xử phạt như vậy cũng là cách hạn chế người dân nhậu nhẹt đi đường, nếu có lỡ cũng tránh.
"Trước đây có tình trạng cảnh sát "núp lùm" để xử phạt nhưng giờ không còn nữa. Công khai, minh bạch cả tuyến đường, thời gian phạt thì dân nhậu không ai phàn nàn hay xin xỏ được", ông Cường nói.
Không xin xỏ, không "alô"
Mấy tháng qua, chốt kiểm tra nồng độ cồn của Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải (Phòng CSGT Công an Đà Nẵng) đều đặn triển khai lực lượng làm nhiệm vụ.
Một tối giữa tháng 3, trên tuyến đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn), tổ công tác đã dừng để kiểm tra chừng 20 người lái xe máy, ô tô. Tuy nhiên chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm nồng độ cồn.
Trung tá Phan Quang Pháp - trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải - cho biết mỗi đêm chốt kiểm tra nồng độ cồn của đơn vị ra hiệu dừng 15 - 20 người lái xe nhưng rất ít người vi phạm. Có đêm phát hiện một trường hợp hoặc không có.
"Thực tế nhiều "dân nhậu" biết mức phạt cao, tước bằng lái đến hai năm nên cũng rất ngán" - ông Pháp nhận xét.
Tương tự, Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn cho biết đêm nào cũng triển khai lực lượng kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn. "Thời gian gần đây mỗi đêm chỉ phát hiện 1-2 trường hợp vi phạm, không nhiều như trước" - lãnh đạo trạm này cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Phan Ngọc Truyền - trưởng Phòng CSGT Công an Đà Nẵng - nhìn nhận: "Việc CSGT xử lý nghiêm đã đưa đề tài xử phạt vi phạm nồng độ cồn vô đến bàn nhậu, mâm cơm của từng gia đình bàn tán. Từ đó đánh vào ý thức của người tham gia giao thông và tạo sự chuyển biến tích cực trong xã hội".
Theo ông Truyền, hiện việc xử lý vi phạm nồng độ cồn không phải ra quân một vài tháng như trước kia mà được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt năm. Ngoài lập chốt và tung lực lượng tuần tra của phòng, còn có công an các quận, huyện, công an phường cũng được trang bị máy đo nồng độ cồn để tham gia xử lý.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT, cùng với mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay là khá cao, việc xử lý nhất quán với quan điểm không có vùng cấm. Lực lượng công an đã tham mưu cho lãnh đạo các cấp chính quyền, tuyên truyền đến cán bộ, công nhân viên chức, người dân về việc không có chuyện xin xỏ, không có chuyện "alô" nhờ can thiệp này nọ.
TP.HCM: Cảnh sát gắn camera trên ngực
Tối 19-3, tổ tuần tra kiểm soát của đội CSGT Hàng Xanh thuộc Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM thực hiện chuyên đề xử lý người vi phạm nồng độ cồn khi chạy xe. Nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi tài xế có "men" bị CSGT xử lý.
21h, tổ công tác tiến hành lập chốt trên đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức.
Sau khoảng hai giờ đồng hồ xử lý, CSGT đã lập biên bản 9 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó có trường hợp kết quả đo nồng độ cồn cao hơn mức "kịch trần", lên tới 1,363 mg/l khí thở. Đó là trường hợp của ông N.T.T. (59 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh).
CSGT phát hiện ông T. mặt tái nhợt, mắt lờ đờ, lái xe không vững, có biểu hiệu say xỉn nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Sau một lúc lè nhè, ông T. cũng thổi để đo nồng độ cồn. Mức nồng độ cồn của ông T. là "kịch trần", nhưng ông vẫn lè nhè giải thích: "Say hay không là do tửu lượng của mỗi người. Tôi vẫn tự lái xe về nhà được mà…".
Theo đại diện Phòng tham mưu Công an TP.HCM, trong đợt cao điểm ra quân (từ ngày 15-11-2022 đến ngày 5-2-2023), CSGT TP.HCM đã xử lý 95.557 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ và đường thủy, trong đó có 17.456 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Và riêng tháng 2 có 7.597 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, các tổ tuần tra sẽ linh hoạt kiểm tra tại một số điểm, tập trung tại những tuyến đường, địa bàn có tình hình giao thông phức tạp. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ kiên quyết xử lý, tránh trường hợp xin xỏ, bỏ qua lỗi vi phạm.
Tất cả các tổ tuần tra đều được trang bị camera gắn trên ngực, nón… để ghi lại toàn bộ quá trình xử lý; các trường hợp không chấp hành đo nồng độ cồn sẽ được ghi nhận đầy đủ để xử lý.
MINH HÒA
Mỗi đợt cảnh sát giao thông ra quân xử phạt vi phạm nồng độ cồn là dân nhậu lại nhốn nháo, tìm mọi cách đối phó.
Xem thêm: mth.93161957012303202-ox-nix-ola-gnohk-ex-id-uahn-nad-gnan-tahp/nv.ertiout