Lúc 13h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mỗi lượng vàng miếng 66,75 triệu đồng chiều mua và 67,45 triệu đồng chiều bán. Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng SJC là 66,6 - 67,4 triệu đồng một lượng. Mức giá này giảm 150.000 đồng so với hôm qua.
Tuy nhiên, nếu so với cách đây hai tuần, giá vàng miếng SJC tăng khoảng 1 triệu đồng một lượng (tương đương tăng 1,5%) trong khi giá thế giới nhảy vọt. Cụ thể, mỗi ounce vàng quốc tế hiện tăng 180 USD (tương đương 5 triệu đồng một lượng) trong hai tuần qua.
Giá vàng miếng SJC tăng chậm hơn thế giới khiến chênh lệch giữa thị trường trong và ngoài nước thu hẹp từ vùng 15 triệu đồng về sát 10 triệu đồng. Diễn biến này rất bất thường khi vàng miếng trong nước hay "tăng nhanh, giảm chậm" so với thế giới.
Cùng thời điểm này năm ngoái, giá vàng trong nước lập đỉnh 74,4 triệu đồng - cao hơn gần 20 triệu đồng một lượng so với thế giới. Nếu so với giai đoạn này, chênh lệch hiện nay chỉ còn một nửa.
Với vàng nhẫn trơn, giá thậm chí thấp hơn so với thế giới. Tại PNJ, giá nhẫn tròn trơn niêm yết 54,8 - 55,8 triệu một lượng. Tại SJC, vàng 4 số 9 (loại 1-5 chỉ) cũng mua vào với giá 54,85 triệu và bán ra 55,85 triệu đồng một lượng.
Trước nhiều biến cố liên tục xảy ra tại một vài nhà băng ở Mỹ và châu Âu, giá vàng thế giới đã tăng vọt lên đỉnh một năm, có lúc vượt 2.000 USD một ounce. Bởi vàng thường được coi là công cụ trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động kinh tế - chính trị. Từ sau vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank hồi đầu tháng, giá kim loại quý này đã tăng 180 USD một ounce, tương đương mức tăng 6%.
Khảo sát của Kitco News cho thấy giá kim loại quý có thể tiếp tục đi lên trong tuần này. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng đây là kênh trú ẩn tốt khỏi cuộc khủng hoảng ngân hàng lớn nhất kể từ năm 2008. Các nhà phân tích Phố Wall cũng thiên về giá tăng nhưng thận trọng hơn.
Quỳnh Trang