Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ 2 thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang tiếp nhận huấn luyện gần 2.000 tân học viên của các trường công an nhân dân, học văn bằng hai, chiến sĩ nghĩa vụ.
Đây là khoảng thời gian đầu khóa, giúp các học viên mới có thêm thể lực, chấp hành điều lệnh, nội vụ, cũng như làm quen một số bài như đội hình chiến đấu, kỹ năng bắn súng...
Bỏ việc ra thao trường
Học viên Ngô Vũ Kha (26 tuổi, sinh viên Trường đại học An ninh nhân dân) chia sẻ sau khi học đại học, anh làm ở cảng vụ hàng không một thời gian. Tuy nhiên anh cảm thấy công việc không phù hợp.
Từ nhỏ anh ước mơ làm công an, vì vậy anh quyết tâm theo đuổi đam mê và thi đậu vào Trường đại học An ninh nhân dân.
Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý và mường tượng những khó khăn, vất vả khi bước chân vào rèn luyện ở trung tâm, nhưng mới đầu Kha và các bạn vẫn gặp nhiều bỡ ngỡ bởi cường độ rèn luyện, học tập cao độ.
"Lực lượng công an phải đấu tranh với kẻ xấu, sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm, khó khăn phía trước. Vì vậy khổ luyện bây giờ sẽ giúp ích cho tôi và các bạn sau này khi công tác", Kha bộc bạch.
Anh chia sẻ thêm anh đã lập gia đình và vợ anh vừa mới sinh con. "Ngày vợ sinh, vì chế độ luyện tập nên tôi không được về nhà. Nhưng tôi được các thầy tạo điều kiện cho gọi điện về cho vợ hỏi thăm, động viên. Tôi vừa được làm cha nên rất vui, lấy đó làm động lực để cố gắng học tập, rèn luyện, để sau này trở thành một chiến sĩ công an giúp ích cho xã hội", anh chia sẻ.
Rời xa vật "bất ly thân"
Còn học viên Nguyễn Trần Mai Oanh (30 tuổi, sinh viên Trường đại học An ninh nhân dân) cũng học văn bằng 2 và trước đó làm văn phòng.
Mới vào trung tâm, chị Oanh gặp khó khăn nhất là thời tiết nắng nóng. Từ một cô gái yếu đuối, da trắng trẻo, chị rời vòng tay gia đình vào môi trường kỷ luật khắc nghiệt, phải thức dậy từ rất sớm.
Được sự quan tâm của bạn bè, thầy cô nên Oanh dần thích nghi. Sau một tháng rèn luyện, Oanh thấy mình tự tin và chững chạc hơn. Chị cho biết trước đây điện thoại là vật "bất ly thân", sau khi vào đây chị phải quen với việc không có điện thoại. Thời gian đầu chị thấy rất khó chịu, nhưng giờ đã quen, hằng ngày chị chỉ tập trung tập luyện, trau dồi kỹ năng. Chỉ thứ bảy, chủ nhật, chị mới dùng điện thoại để gọi về cho gia đình, người thân.
"Tuy việc luyện tập có khắc nghiệt nhưng tôi và các bạn có thêm nhiều bài học, kỷ niệm đẹp, sau này về trường sẽ rất nhớ", chị Oanh bày tỏ.
Theo thượng tá Vũ Đức Kiên - phó giám đốc trung tâm, ban giám đốc xác định rõ công tác huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Công tác huấn luyện, chuẩn bị thao trường, bài tập, mô hình học phải sát với nội dung huấn luyện.
Trong quá trình huấn luyện, thực hiện đúng những chỉ đạo của Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động là lấy học viên làm trọng tâm. Công tác tổ chức huấn luyện luôn thuận lợi và qua kiểm tra các nội dung đều đáp ứng yêu cầu đề ra.
Đây là thời điểm cao độ nhất về công tác huấn luyện đối với trung tâm. Ban giám đốc và ban huấn luyện quyết tâm, nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu, yêu cầu mà lãnh đạo đề ra, để có kết quả tốt nhất.
TTO - Theo lãnh đạo Bộ tư lệnh, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa là hoạt động chính trị hết sức quan trọng và là một truyền thống tốt đẹp, tỏ lòng thành kính sâu sắc đến với những thân nhân và gia đình có công với cách mạng.
Xem thêm: mth.12902539112303202-ial-gnout-na-gnoc-is-neihc-cac-auc-teihgn-cahk-gnourt-oaht/nv.ertiout