Bộ Nội vụ đã đưa ra lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ. Trong đó, quy tắc đạo đức chung là cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo quy định.
Không tổ chức cưới hỏi, sinh nhật xa hoa, lãng phí
Dự thảo nghị định cũng dành một chương quy định rõ chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, Bộ Nội vụ đề xuất trong giao tiếp với dân, cán bộ, công chức, viên chức không chửi thề, không nói tiếng lóng, quát, dọa nạt; không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, gợi ý nhằm trục lợi cá nhân.
Với đồng nghiệp, không bè phái, cục bộ, có lời nói, hành động gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, nói không đúng sự thật, hạ uy tín, trả thù cá nhân trong cơ quan, đơn vị.
Với cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cấp trên; chủ động đề xuất, kiến nghị, đóng góp ý kiến với cấp trên về biện pháp quản lý, điều hành.
Theo đề xuất, cán bộ, công chức, viên chức không tổ chức tiệc cưới, ăn hỏi, đám ma, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các công việc khác xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi. Cạnh đó, không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của cơ quan, tổ chức, công dân nơi cư trú; không tham gia, xúi giục, kích động, bao che các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức tại nơi cư trú.
Mục đích xây dựng và ban hành bộ quy tắc này nhằm đảm bảo sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời là cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức tu dưỡng, rèn luyện bản thân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho hay dự thảo nghị định về bộ quy tắc này chính là việc cụ thể hóa các quy định trong Luật cán bộ công chức, Luật viên chức, Luật phòng chống tham nhũng cũng như các luật khác hiện hành.
Theo ông Dĩnh, trong chương trình cải cách hành chính vẫn đánh giá chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức bên cạnh việc thực thi tốt nhiệm vụ với những kết quả được ghi nhận thì vẫn có hiện tượng thể hiện đạo đức chưa tốt. Đặc biệt trong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với nhân dân, có lúc, có nơi chưa tốt, không đúng chuẩn mực. Thậm chí như báo chí phản ánh có người còn có những lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa rồi hạch sách, cửa quyền với người dân, doanh nghiệp...
Trong ứng xử, giao tiếp giữa cán bộ công chức với nhau cũng có nơi, có lúc còn không đúng, kiện cáo, o ép nhau, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ. Tinh thần làm việc của một số người chưa đạt kết quả cao, năng lực, tính tuân thủ pháp luật, trách nhiệm công vụ còn có vấn đề hạn chế. Chưa kể, việc ứng xử với các cơ quan truyền thông báo chí ở một số nơi còn chưa đúng...
Vì vậy, việc sớm ban hành bộ quy tắc này theo ông Dĩnh sẽ là cơ sở để đánh giá sự tu dưỡng đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ, phục vụ nhân dân.
Để cán bộ, công chức không dám vi phạm đạo đức
Về việc cần thực hiện giám sát cán bộ, công chức, viên chức cần thế nào để Bộ quy tắc đạo đức công vụ đạt hiệu quả cao nhất, TS Đào Mạnh Hoàn, thư ký Tổ biên tập soạn thảo nghị định, cho hay cán bộ, công chức, viên chức là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, "là công bộc của nhân dân, phụng sự Tổ quốc" và thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo luật định. Do vậy, trước hết phải tự ý thức và tự giám sát bản thân để không vi phạm đạo đức công vụ.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện bộ quy tắc này trong quá trình làm việc. Cùng với đó, người dân, doanh nghiệp theo quy định có quyền tham gia quản lý nhà nước cũng như giám sát việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Cũng theo TS Hoàn, ngoài Bộ quy tắc đạo đức công vụ cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp để nâng cao chất lượng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Trong đó, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức về Bộ quy tắc đạo đức công vụ đối với nền công vụ. Tuyên truyền sâu rộng để người dân và doanh nghiệp biết và tham gia giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời để phát hiện và chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức công vụ.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh nói thêm, hiện nay Bộ Nội vụ và các địa phương đều thực hiện việc đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, nói cách khác là "chấm điểm" đối với cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, các cơ quan chức năng cần gắn hai biện pháp này vào để kiểm tra, đánh giá, phân loại đối với cán bộ, công chức. Từ đó thực hiện chế độ với cán bộ, công chức trong quá trình sử dụng, đề bạt, khen thưởng...
Nhiều nước coi trọng tính liêm chính
Hầu hết quốc gia trên thế giới đều có các bộ quy tắc ứng xử cho công chức. Tuy nhiên, nội dung của các quy tắc này có thể khác nhau tùy thuộc vào văn hóa, chính trị và pháp luật của từng quốc gia.
Theo Bộ Nội vụ Mỹ, Thomas Jefferson, một trong những người sáng lập nước Mỹ, đã đưa ra nguyên tắc cơ bản của dịch vụ công là: "Khi một người được công chúng tín nhiệm, anh ta nên coi mình là tài sản công".
Tinh thần này cho tới nay vẫn được nhắc lại, lâu dần trở thành nguyên tắc phổ biến.
Ở Anh, các quy tắc ứng xử cho công chức được quy định rất cụ thể thành một bộ quy tắc bắt buộc mà tất cả công chức phải tuân thủ.
Theo thông tin từ website Chính phủ Anh, một công chức sẽ được bổ nhiệm dựa trên cơ sở cạnh tranh công bằng và được kỳ vọng sẽ cống hiến bằng những giá trị cốt lõi: liêm chính, trung thực, khách quan và không thiên vị.
Liêm chính là đặt nghĩa vụ công ích lên trên lợi ích cá nhân. Trung thực là thành thật và cởi mở. Khách quan là tư vấn và ra quyết định dựa trên phân tích kỹ lưỡng và có bằng chứng cụ thể. Không thiên vị là đảm bảo hiệu quả công việc tốt nhất dù làm cho các chính phủ có quan điểm chính trị khác nhau.
Những giá trị cốt lõi này giúp chính phủ đạt được các tiêu chuẩn cao nhất trong dịch vụ công, qua đó giúp chính phủ giành được sự tôn trọng từ Quốc hội, nội các và người dân.
Các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore và nhiều nước khác cũng có các bộ quy tắc ứng xử cho công chức của riêng họ.
Trong đó, Singapore đánh giá dịch vụ công đóng vai trò quan trọng trong hành trình xây dựng đất nước thành một nơi tốt hơn cho toàn bộ người dân.
Website của Chính phủ Singapore có thông tin cụ thể về những phẩm chất, yêu cầu mà một người công chức phải có. Đứng đầu là tính liêm chính.
MINH KHÔI
Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương):
Dự thảo "vừa thừa, vừa thiếu"
Việc sớm ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ thống nhất trên cả nước là cần thiết. Tuy nhiên, với dự thảo được đưa ra cho thấy các điều trong bộ quy tắc này chỉ là cụ thể hơn những điều đã quy định trong một số bộ luật liên quan hay trong một số quy định của Đảng.
Điều này cũng cho thấy rõ còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa hay không thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đây là điều rất cần suy nghĩ để trả lời câu hỏi chấn chỉnh đạo đức công vụ cần thực hiện từ đâu?
Bên cạnh đó, dù có quy định cụ thể nhưng tôi thấy rõ ràng có sự "vừa thừa, vừa thiếu" trong dự thảo. Cụ thể, có những điều quy định rất chi tiết như không chửi thề, không quát nạt, nói từ lóng... khi giao tiếp với người dân. Song khi quy định cụ thể các chi tiết thì lại dẫn đến thiếu, không quy định hết các hành vi bị cấm, không được làm.
Do vậy, bộ quy tắc này nên xem xét quy định một cách khái quát, như cần ứng xử văn minh thì đã quy định bao trùm tất cả nội dung. Cạnh đó, trong quy tắc ứng xử với báo chí truyền thông lại chỉ nêu được hai nguyên tắc là thay mặt cơ quan phải được sự phân công, không tiết lộ bí mật...
Tuy nhiên, đây chưa phải là quy tắc ứng xử với báo chí truyền thông. Việc ứng xử này phải bao hàm nghĩa rộng hơn, tức là ứng xử, thái độ làm việc như thế nào. Cạnh đó, dự thảo quy định không tụ tập ăn uống đông người trong giờ làm việc, vậy ăn uống ít người có được không?
Hay không quảng cáo, bán hàng nhưng mua hàng hóa trong lúc làm việc có được không?... Vì thế, tôi mong sau khi lấy ý kiến nhân dân, các cơ quan, bộ cần xem xét, rà soát kỹ lưỡng nhằm xây dựng bộ quy tắc mang tầm bao quát hơn để thực hiện.
Dân không mặn mà "chấm điểm" cán bộ công chức
Với dân số hơn 140.000 người, đứng nhất nhì TP.HCM về các phường xã đông dân, đến trụ sở xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) lúc nào cũng thấy hàng ghế chờ đầy ắp người.
Dù tiếp nhận hồ sơ đến độ không kịp nhấc máy điện thoại khi có cuộc gọi, nhưng cán bộ tư pháp - hộ tịch xã vẫn nhẹ nhàng hướng dẫn cụ thể cho dân khi có trường hợp thiếu giấy tờ.
"Cán bộ công chức ở đây nhiều việc gấp đôi nơi khác mà họ vẫn ân cần tiếp chuyện, hướng dẫn mình, thì mình cứ đợi gọi tên thôi. Chứ nhiều người không hiểu quy trình, họ nghĩ cán bộ làm khó khăn thế là lớn tiếng sinh sự", bà Diễm Trinh (ấp 5, xã Vĩnh Lộc B) cho biết.
Ở xã Vĩnh Lộc B, tại mỗi bộ phận tiếp nhận hồ sơ, xã đều trang bị một máy tính bảng hiện sẵn các thông tin của cán bộ phụ trách bộ phận đó để người dân có thể đánh giá mức độ hài lòng về công vụ của cán bộ. Mức độ hài lòng được chia ra năm mức thể hiện bằng các biểu tượng cảm xúc. Hệ thống này được liên thông với tất cả xã, phường khác và được tổng hợp kết quả theo quý để góp phần đánh giá chất lượng công vụ của cá nhân và đơn vị.
Tuy nhiên, một cán bộ xã cho rằng người dân đến đây chỉ quan tâm đến giấy tờ của mình. Do đó cán bộ cũng chỉ có thể nhắc chứ không thể ép người dân thực hiện đánh giá.
Tương tự, ở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) cũng trao quyền giám sát, đánh giá cán bộ công chức cho dân khi khu vực tiếp dân có đặt các thiết bị công nghệ đánh giá mức độ hài lòng công vụ. Nhưng hầu hết cũng chỉ để "trưng bày" vì dân không mặn mà "chấm".
Bà Trương Mỹ Phượng, cán bộ văn phòng thống kê phường Hiệp Bình Chánh, cho biết chấm điểm là một trong các tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức về đạo đức công vụ. Nhưng người dân ở đây có tâm lý dè dặt khi chấm điểm. Có lẽ họ cũng không muốn "đụng chạm" cán bộ khi còn thủ tục giấy tờ liên quan ở địa phương.
Bà Trần Thị Thái Nguyên, chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, cho biết dù áp lực công việc nặng nề, nhưng cán bộ xã vẫn tận tâm phục vụ người dân. Bằng chứng là trong thời gian qua, xã không ghi nhận trường hợp phàn nàn hay phản ảnh về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.
Những đơn thư khiếu nại hầu như chủ yếu vì các giao dịch dân sự và đều được lãnh đạo yêu cầu cán bộ gặp gỡ chia sẻ hướng dẫn cùng dân. Tuy vậy nếu trường hợp cán bộ vi phạm các quy tắc công vụ sẽ được nhắc nhở, xử lý theo các quy định của đơn vị và đánh giá thu nhập theo nghị quyết 03 do HĐND TP.HCM ban hành.
Một cán bộ phòng nội vụ cấp quận chia sẻ, thực chất việc giám sát cán bộ hiện nay vẫn còn cảm tính. Bên cạnh tình trạng nể nang, xử lý theo kiểu "hình thức" khi có sai phạm thì cũng có trường hợp người dân đánh giá cán bộ kém chỉ vì giấy tờ mình làm lâu.
"Ví như người dân đến yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân và đăng ký hộ tịch mới, mà thủ tục này cần về nơi ở cũ xác nhận. Người dân đi lại nhiều nên đánh giá không hài lòng. Như vậy tiêu chí nào để cho rằng đạo đức công vụ của người ta chưa đạt", vị này trăn trở.
CẨM NƯƠNG
TTO - Các cơ quan, đơn vị, công chức liên quan ở địa phương... thực hiện nghiêm túc, đúng quy định nhằm đảm bảo kết quả khảo sát trung thực, khách quan. Tuyệt đối không định hướng, can thiệp, xem xét việc trả lời phiếu khảo sát của người dân...
Xem thêm: mth.54032949022303202-uv-gnoc-cud-oad-hnihc-nahc/nv.ertiout