vĐồng tin tức tài chính 365

Sự phản ứng nhanh của các ngân hàng trung ương củng cố niềm tin cho nhà đầu tư

2023-03-22 12:19

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia cho biết, trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009 ở Mỹ đã có khoảng 11.000 ngân hàng lớn nhỏ phá sản. Hiện tại, vẫn tiềm ẩn việc có thêm ngân hàng Mỹ gặp vấn đề về thanh khoản hoặc có nguy cơ phá sản nhưng theo các chuyên gia, lần này nếu có thì quy mô sẽ nhỏ và nhẹ hơn, đặc biệt là sự phản ứng nhanh nhạy của các ngân hàng trung ương và chính quyền các quốc gia đã giúp củng cố niềm tin cho nhà đầu tư hơn.

Cùng BTV Mùi Khánh Ly trao đổi với các khách mời:

Sự phản ứng nhanh của các ngân hàng trung ương củng cố niềm tin cho nhà đầu tư - Ảnh 1.

BTV Mùi Khánh Ly: Gần đây, loạt ngân hàng như ngân hàng Signaturengân hàng Silicon Valley Bank (SVB)đã mất thanh khoản hoặc phá sản khiến giới đầu tư lo ngại về một hiệu ứng domino, theo hai ông, liệu điều này có xảy ra hay không ạ?

TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính:

Tôi cho rằng việc FED liên tục tăng lãi suất điều hành để chống lạm phát đã gây áp lực lớn đến hệ thống tài chính. Và trường hợp của SVB hay tiếp theo đó là Signature Bank bị mất thanh khoản, phá sản thì có thể nói là các tình trạng đó đã diễn ra liên tục và cảnh báo cho hiệu ứng domino có thể xảy ra. Nhìn lại giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 ở Mỹ, có tới 11.000 ngân hàng đã phải phá sản và như vậy, có thể nói, những lo ngại về việc trường hợp của SVB có thể khiến tái lập lại nguy cơ khủng hoảng giống như giai đoạn 2008-2009 cũng có cơ sở. Tuy nhiên, hiệu ứng lần này sẽ giảm bớt đi nhiều. Bởi thứ nhất, SVB là ngân hàng thuộc về một nhóm ngân hàng hoạt động hơi khác biệt so với nhóm các ngân hàng truyền thống và những ngân hàng lớn hàng đầu của Mỹ. Thứ hai, mặc dù quy mô tổng tài sản của ngân hàng này đứng thứ 16, tuy nhiên, cũng chỉ chiếm khoảng 200 tỷ USD trong hàng chục ngàn tỷ USD trị giá thị trường ngân hàng của Mỹ, do đó quy mô của nó không lớn. Điểm thứ ba nữa, đó là khác với các lần trước, lần này cơ quan chức năng của Mỹ mà cụ thể ở đây là cơ quan bảo hiểm tiền gửi của Mỹ (FDIC) đã có những phản ứng rất nhanh trong việc trấn an dư luận, xung quanh vấn đề chống hiệu ứng rút tiền khỏi ngân hàng của những người gửi tiền. Do đó, nó cũng làm giảm bớt áp lực về tâm lý cũng như khả năng xảy ra các hiệu ứng domino. Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng như chính quyền Mỹ cũng đã có những đánh giá lại về lộ trình tăng lãi suất. Như vậy, có thể có những biện pháp để ứng phó trong trường hợp xảy ra những nguy cơ đối với hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, các quy định về giám sát hệ thống ngân hàng cũng đã được xem xét và chuẩn bị sửa đổi trong thời gian tới để nâng cao tính an toàn trong các hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tôi cho rằng đó là những dấu hiệu tốt, làm giảm bớt nguy cơ hiệu ứng domino.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC):

Tôi chia sẻ với ý kiến của ông Ánh. Hiện tượng này sớm muộn cũng sẽ xảy ra khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất điều hành. Và hiện đang là tháng thứ 3, tức là tròn đúng một năm FED liên tục tăng lãi suất điều hành và việc tăng lãi suất này đương nhiên ảnh hưởng đến tất cả các tổ chức tài chính, trong đó, chúng ta thấy SVB - ngân hàng Silicon Valley là một trong số những ngân hàng đầu tiên phát sinh ra vấn đề. Nhưng người ta cũng hay nói về một lý thuyết gọi là lý thuyết con gián, tức là khi bạn nhìn thấy một con gián thì chứng tỏ là có nhiều khả năng sẽ có nhiều con gián ở xung quanh. Như vậy, đâu đó cũng sẽ có những ngân hàng có thể sẽ ở trong tình trạng tương tự như vậy. Chính vì vậy, trong vòng một hai ngày sau thông tin về Silicon Valley Bank được đưa ra, có một số cổ phiếu ngân hàng ở Mỹ bị bán rất mạnh trong phiên giao dịch, thậm chí còn bị tạm dừng ngưng giao dịch. Về hiện tượng domino, tôi nghĩ là khó có thể xảy ra, nhưng vẫn sẽ có những ngân hàng ở trong tình trạng khó khăn như vậy và lần này, những chính sách của FED và chính quyền Mỹ được đưa ra rất nhanh chóng, giúp trấn an các nhà đầu tư và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Về cơ bản, ngay sau đấy, thị trường tài chính cũng đã ổn định trở lại, các chỉ số S&P 500, NASDAQ hay là Dow Jones, thậm chí diễn biến của vàng, dầu hay là diễn biến của lãi suất đều cho thấy thị trường phần nào đã bình tĩnh trở lại. Vì thế, tôi nghĩ sắp tới đây, những vụ việc nhỏ tương tự có thể vẫn tiếp tục nổ ra nhưng ở trong mức độ có thể kiểm soát được.

BTV Mùi Khánh Ly: Thực tế, các ngân hàng này đều liên quan đến lĩnh vực công nghệ và giới startup công nghệ nên nhiều người đã có sự liên tưởng đến bong bóng Dot-com, theo hai ông thì sao?

Sự phản ứng nhanh của các ngân hàng trung ương củng cố niềm tin cho nhà đầu tư - Ảnh 2.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC):

Đợt khủng hoảng Dot-com diễn ra vào cuối những năm 90, đầu những năm 2000. Vào thời điểm đấy, thị trường chứng khoán, nhất là chứng khoán Hoa Kỳ rất bùng nổ. Tôi nhớ là chỉ cần những doanh nghiệp có cái tên giống hoặc liên quan đến công nghệ thông tin, liên quan internet là giá cổ phiếu cứ thế đi lên, mặc dù rất nhiều doanh nghiệp khi ấy không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nặng. Chính vì thế, trong suốt giai đoạn đó, có một đặc trưng là cổ phiếu lợi nhuận càng thấp thì giá lại càng cao và mức định giá P/E khi đó đã loanh quanh khoảng 200 lần, so với bây giờ. Còn mức định giá của thị trường chứng khoán Mỹ bây giờ chỉ loanh quanh P/E khoảng 18-20 lần, một sự chênh lệch rất lớn và phi lý. Hiện tại, chúng ta thấy mặc dù những công ty công nghệ chiếm một tỷ trọng lớn trong thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng ngay cả những công ty công nghệ lớn nhất trên sàn cũng không rơi vào tình trạng thua lỗ hay không có lợi nhuận như đợt khủng hoảng Dot-com trước đây và những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực của họ có một nền tảng doanh thu, lợi nhuận khá tốt và còn nhiều tiềm năng trong tương lai. Mặc dù đâu đấy mọi người có thể liên tưởng đến khủng hoảng Dot-com, nhưng tôi nghĩ bản chất nó khác nhau xa về mặt định giá. Thêm vào đấy, giá các loại tài sản liên quan đến kỹ thuật số hay đồng tiền kỹ thuật số cũng đã giảm mạnh trong thời gian trước đó nên đợt này có thể sẽ tương đối khác so với bong bóng Dot-com năm 2000.

TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính:

Tôi hoàn toàn đồng ý về ý kiến của ông Long. Rõ ràng khi vụ SVB xảy ra, nhiều người đã liên tưởng đến cuộc khủng hoảng Dot-com vào đầu những năm 2000 của thế kỷ này. Tuy nhiên, tôi cho rằng rõ ràng có nhiều điểm khác biệt khá lớn. Ông Long đã nói chính xác, đó là thời điểm khủng hoảng xảy ra Dot-com là thời đỉnh điểm của bong bóng, của các doanh nghiệp công nghệ. Tuy nhiên lần này, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ, thậm chí chiếm tới khoảng 90% trong tổng số tiền gửi tại SVB chẳng hạn, thì bản thân những doanh nghiệp này họ cũng đã có sự điều chỉnh trong suốt năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 vừa qua. Ví dụ như đối với các doanh nghiệp công nghệ, các tập đoàn công nghệ toàn cầu hàng đầu, họ đã bắt đầu điều chỉnh quy mô hoạt động với việc cắt giảm lực lượng lao động lên tới hàng vạn người. Tôi cho rằng khá nhiều doanh nghiệp đã chủ động trước nguy cơ xì bong bóng có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghệ. Như vậy, tôi cho rằng bong bóng đã không xảy ra và bản thân ngành này cũng đã có những sự điều chỉnh nhất định, nên chúng ta có thể tạm yên tâm.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính giống như năm 2008 là khó xảy ra đúng không, thưa hai ông?

Sự phản ứng nhanh của các ngân hàng trung ương củng cố niềm tin cho nhà đầu tư - Ảnh 3.

TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính:

Tôi cho rằng nguy cơ xảy ra khủng hoảng khá thấp, kể cả liên quan đến khủng hoảng tài chính hay thậm chí khủng hoảng kinh tế. Điều mà họ đang lo ngại hiện nay đó là khả năng suy thoái kinh tế. Với những sự kiện đầu tháng 3 vừa qua, những lo ngại về suy thoái kinh tế một lần nữa đã được gióng lên. Theo tôi được biết là khả năng suy thoái kinh tế, xác suất của nó đã tăng lên khoảng tầm trên 30% xảy ra suy thoái. Tuy nhiên, gần như tất cả đều thống nhất rằng nếu suy thoái kinh tế đó xảy ra thì mức độ sẽ nhẹ và chỉ trong ngắn hạn. Ở Mỹ, sang đến tháng 2 của năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ chỉ còn tăng 6% tính theo năm và tăng 0,4% so với tháng trước. Đây là một tín hiệu vĩ mô rất tích cực để các cơ quan quản lý về tiền tệ, tài chính của Mỹ có thể xem xét lại mức độ tăng lãi suất, giúp giảm nguy cơ về suy thoái kinh tế. Đồng thời, trước khi trường hợp của SVB hay là Signature bank xảy ra, dự báo FED có thể tăng lãi suất lên đến mức đỉnh khoảng 5,5-5,75%, nhưng hiện dự báo sẽ chỉ ở mức 5,25%, thậm chí chỉ khoảng 5%. Một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam đó chính là Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thay đổi chính sách Zero-COVID. Theo thông báo mới nhất của Trung Quốc, họ dự báo năm 2023, tăng trưởng kinh tế của họ có thể đạt được khoảng 5,5%. Chính vì vậy, tôi cho rằng nguy cơ hay là mức độ suy thoái kinh tế, nếu có xảy ra sẽ mang tính cục bộ và sẽ giảm được về phạm vi.

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC):

Theo tôi thì nguy cơ lúc nào cũng sẽ có. Khi mà chúng ta ở trong một môi trường lãi suất đi lên và sau một giai đoạn dài cung tiền ở rất nhiều nền kinh tế lớn tương đối thoải mái, sẽ dẫn đến tình trạng hiện tại, khi lạm phát gia gia tăng cũng như sức cầu đã yếu đi. Tôi cũng đồng quan điểm với ông Ánh, chúng ta đang ở trong một thời kỳ nếu mà suy thoái thì là suy thoái kỳ lạ so với các cuộc suy thoái trước. Bởi vì nhu cầu không giảm nhiều quá, đồng thời việc làm vẫn đang tiếp tục được tạo ra ở những khu vực kinh tế lớn, nhất là ở Hoa Kỳ. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại đương nhiên sẽ đóng góp nhiều cho kinh tế thế giới.

Một chỉ báo quan trọng nữa đối với những người làm chính sách, đó là mức độ lãi suất đến thời điểm này tương đối phù hợp rồi. Nếu như họ tiếp tục tăng lãi suất theo lộ trình như dự kiến ban đầu, có thể lên đến mức 5,75%, thì tôi nghĩ là cao hơn đợt trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng 2008. Chính vì vậy, sau khi vụ việc như SVB xảy ra, có vẻ như các bên đều đang điều chỉnh dự báo về khả năng tăng lãi suất của năm nay. Do vậy, với việc thay đổi chính sách thì đâu đấy, có thể có suy thoái nhẹ theo từng chu kỳ và có thể sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn hơn, cũng như mức độ ảnh hưởng sẽ nhẹ nhàng hơn.

BTV Mùi Khánh Ly: Vậy, liệu sự đổ vỡ của một số ngân hàng Mỹ và những hiệu ứng liên quan có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam không, theo đánh giá của các ông?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC):

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP thuộc nhóm cao nhất thế giới. Vì vậy, khi những khách hàng lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn hơn thì tổng cầu của họ suy giảm, ảnh hưởng đến những đơn hàng của chúng ta và gián tiếp ảnh hưởng đến khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước cũng như các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. Thứ hai là về mặt tài chính, lãi suất của đồng USD là lãi suất gần như chỉ báo cho mọi loại lãi suất trên thị trường. Do vậy, khi FED có những thay đổi về mặt chính sách lãi suất trong vòng một năm vừa thì chính sách lãi suất đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính:

Như ông Long đã nói, điều đầu tiên tác động đến Việt Nam, đó là nền kinh tế thực của chúng ta, khi chúng ta có độ mở của nền kinh tế lớn. Do đó, vấn đề mà chúng ta lo ngại, đó là suy thoái kinh tế, chắc chắn là những suy thoái kinh tế tại các thị trường hàng đầu của Việt Nam như Mỹ hay Châu Âu sẽ tác động đến nền kinh tế thực của Việt Nam. Trên thực tế, chúng ta cũng đã thấy từ nửa cuối của năm 2022 sang đến những tháng đầu của năm 2023, tình hình xuất khẩu của một số doanh nghiệp Việt Nam khá căng thẳng, đặc biệt là những nhóm ngành như dệt may, da giày hay xuất khẩu đồ gỗ.

Nhóm vấn đề thứ hai liên quan tới thị trường tài chính chúng ta. Ngay khi vấn đề của SVB hay Signature vừa mới xảy ra ở Mỹ, trong một chừng mực nhất định, những ảnh hưởng đã thể hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, hầu hết những biến động trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều bắt nguồn từ những nguyên nhân nội tại nhiều hơn là bắt nguồn từ những ảnh hưởng của quốc tế, do đó có thể tạm yên tâm về thị trường chứng khoán.

BTV Mùi Khánh Ly: Về thị trường chứng khoán thì như các ông cũng đã thấy, thị trường toàn cầu đã dần ổn định trở lại sau khi có phản ứng giảm mạnh trước các thông tin ngân hàng Mỹ mất thanh khoản. Theo các ông, trong thời gian tới, thị trường sẽ diễn biến như thế nào?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC):

Thị trường Việt Nam có một độ trễ nhất định để thông tin đó thẩm thấu sang các nhà đầu tư cũng như người làm chính sách của thị trường hay những đơn vị tham gia trên thị trường. Tôi nghĩ rằng khi thông tin đó thực sự có ảnh hưởng đến Việt Nam chẳng hạn, cũng là lúc chúng ta đã nhìn thấy giải pháp của người ta rồi. Đến thời hiện tại, tôi thấy mức độ ảnh hưởng chỉ vừa phải. Thị trường Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào những yếu tố liên quan đến nội tại của Việt Nam hơn. Thời điểm hiện tại, chúng ta thấy, thị trường Việt Nam là một trong những thị trường chứng khoán mà nếu xét từ đỉnh của đầu năm 2022 cho đến cuối năm, chúng ta là một trong những thị trường giảm mạnh nhất thế giới, có thể nằm trong top 5. Và những rủi ro của suy thoái kinh tế cũng như rủi ro từ bên ngoài đối với Việt Nam, tôi nghĩ cũng chiết khấu khá nhiều vào thị trường, chỉ có điều là để phục hồi được như thế nào thì chúng ta lại phụ thuộc vào việc các chính sách trong nước, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng như là sức bật của chính các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nhiều doanh nghiệp của chúng ta cũng đang ở trong tình trạng khó khăn về mặt đơn hàng, đồng thời cũng đang khó khăn về chi phí mặt bằng, đặc biệt là liên quan đến chi phí tài chính đang gia tăng, nhưng thị trường chứng khoán, thị trường tài chính cũng đã phản ánh những rủi ro đó.

TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính:

Đúng là thị trường của chúng ta bao giờ cũng sẽ có một độ trễ nhất định. Tôi cho rằng thị trường trong thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào việc Ngân hàng Nhà nước đã bật một tín hiệu rằng, thậm chí chúng ta có thể chủ động trong việc nới lỏng hay ít nhất là không thắt chặt quá mức chính sách tiền tệ của mình. Như vậy, khi mà lãi suất có xu hướng giảm, chắc chắn khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán trong thời gian tới khá lạc quan. Một yếu tố nữa rất đáng quan tâm, đó là hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đang đối mặt với bài toán về doanh thu tăng chậm, trong khi đó chi phí lại đang tăng nhanh. Vì vậy, bản thân các doanh nghiệp, các công ty niêm yết cũng cần phải có những bài toán để tái cơ cấu lại. Khi đó, giá trị cổ phiếu của họ trên sàn mới về đúng thực chất và sự tăng lên mới ổn định, bền vững.

BTV Mùi Khánh Ly: Vâng xin cảm ơn hai ông về những thông tin trên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.48884040122303202-ut-uad-ahn-ohc-nit-mein-oc-gnuc-gnou-gnurt-gnah-nagn-cac-auc-hnahn-gnu-nahp-us/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sự phản ứng nhanh của các ngân hàng trung ương củng cố niềm tin cho nhà đầu tư”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools