Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội nổi lên những nội dung có yếu tố "người lớn", "18+", đặc biệt là nền tảng TikTok.
Điều đáng nói, những nội dung trên được "gửi gắm" bằng những từ lóng, dù không trực tiếp nhắc đến nhưng có thể dễ dàng liên tưởng đến nội dung đồi trụy.
Bình luận về tình trạng trên, Tiến sĩ Đặng Văn Cường (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho rằng, mạng xã hội là môi trường hoạt động thường xuyên của giới trẻ, thế nhưng, việc kiểm soát các thông tin trên nền tảng này chưa tốt. Từ đó, nhiều thông tin xấu, độc, giả mạo, khiêu dâm tràn lan và dễ dàng tiếp cận giới trẻ.
Theo ông Cường, pháp luật Việt Nam có quy định về các hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có hành vi đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy... Đồng thời, những nội dung "người lớn" được yêu cầu phải gắn mác 18+, để đơn vị quản lý có những cảnh báo, khuyến cáo, thậm chí ngăn chặn những người chưa đủ tuổi có thể truy cập, tiếp cận...
Tuy nhiên, vị tiến sĩ cho biết, qua theo dõi trên một số nền tảng mạng xã hội, trong đó có TikTok, có thể thấy cụm từ "18+" đang bị lạm dụng, thậm chí là từ khóa để thu hút người xem đến các clip, hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy.
"Hiện nay, pháp luật có đầy đủ các chế tài hành chính và hình sự để xử lý các hành vi đưa thông tin dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục lên không gian mạng, trong đó có chế tài hành chính và chế tài hình sự", ông Cường nói.
Đối với chế tài hành chính, ông Cường cho biết, người nào "Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc" sẽ bị xử phạt 10 - 20 triệu đồng theo Khoản 37, Điều 1, Nghị định 14/2022/NĐ/CP.
Trường hợp hành vi chia sẻ những thông tin dâm ô, đồi trụy có lượng tiếp cận từ 10 người trở lên hoặc dung lượng từ 1GB trở lên, thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Điều 326 Bộ luật Hình sự, tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Mức hình phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù giam.
Theo ông Cường, nhiều trường hợp đã bị xử phạt hành chính, đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên mạng xã hội. Vì vậy, vị tiến sĩ đưa ra một số giải pháp để ngăn chặn tình trạng này:
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đặc biệt là nhận thức về văn hóa phẩm đồi trụy, trách nhiệm của công dân trong việc hạn chế làm ra, lưu giữ, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để kịp thời nhận diện, phát hiện những hành vi làm, tàng trữ, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, làm căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng, đặc biệt là quản lý các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội, yêu cầu các đơn vị này phải kiểm soát nội dung đăng tải trên nền tảng số của họ, với những tài khoản vi phạm điều kiện sử dụng thì cần phải quét, phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nếu trường hợp các nền tảng mạng xã hội nào không thực hiện tốt công tác quản lý, để nhiều nội dung thông tin vi phạm pháp luật, cần phải xem xét xử lý bằng các biện pháp hành chính mạnh.
- Tăng cường công tác quản lý đối với trẻ em, giáo dục trẻ em kỹ năng trên không gian mạng để hạn chế đến mức thấp nhất những hình ảnh, ấn phẩm đồi trụy có thể được tiếp cận với trẻ em.
- Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật, nhân lực để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, kịp thời cảnh báo, cảnh tỉnh đối với các đối tượng có ý định thực hiện hành vi phạm tội.