Bắc Giang là một tỉnh nằm trên hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Nam Ninh (Trung Quốc), liền kề vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc. Đặc biệt với chính sách ưu đãi, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp (KCN) nên tỉnh đã và đang là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đang quản lý 8 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng diện tích là 1.967 ha; trong đó có 5 KCN đã cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, với tổng diện tích là 1.260 ha; bao gồm 4 KCN đã đạt tỉ lệ lấp đầy 100% (Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung) và KCN Hòa Phú tỷ lệ lấp đầy 90%.
Có 3 KCN mới được thành lập năm 2022, đang triển khai giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng (bao gồm các KCN: Việt Hàn, Tân Hưng, Yên Lư) và 2 KCN mở rộng (KCN Hòa Phú mở rộng và KCN Quang Châu mở rộng), với tổng diện tích quy hoạch là 707,3ha.
Thời gian vừa qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã chủ động, tích cực nghiên cứu Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), đồng thời tổ chức triển khai lấy ý kiến đối với các đơn vị tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo.
Trao đổi trực tiếp với phóng viên, ông Đặng Hoàng Long - Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên Môi trường, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho biết, quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (Điều 80) trong Dự luật đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang.
Về việc bổ sung thêm quy định cho các nhà đầu tư thứ cấp vào Dự luật, ông Long phân tích, tại điểm d, khoản 2, Điều 48 Luật Đầu tư quy định Cơ quan đăng ký đầu tư chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động đầu tư của dự án khi Dự án đầu tư thuộc trường hợp bị thu hồi đất do không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định của Luật Đất đai. Và quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư sau khi có quyết định thu hồi đất (khoản 5, Điều 57 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 hướng dẫn Luật Đầu tư).
Nhưng hiện nay, tại điểm i, khoản 1, Điều 80 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại nêu “Đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư và tiền thuế tăng thêm theo quy định tại điểm đ, khoản 1 của Luật này. Việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư và tiền thuế tăng thêm theo quy định tại khoản này phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 của năm phát hiện vi phạm, quá thời hạn này mà người sử dụng đất không nộp tiền thì Nhà nước thu hồi đất”.
“Hiện tại, trong Dự luật chỉ quy định thu hồi đất đối với các dự án được Nhà nước giao đất cho thuê đất (chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN) nhưng không quy định đối với các dự án thuê lại đất trong KCN của chủ đầu tư hạ tầng KCN (nhà đầu tư thứ cấp). Vậy căn cứ thu hồi đất đối với những trường hợp này như thế nào? Vì hiện tại các nhà đầu tư thứ cấp chiếm phần lớn trong các KCN, không chỉ ở Bắc Giang mà còn ở các tỉnh khác, do đó cần có quy định để áp dụng đối với các dự án đầu tư thứ cấp trong KCN”, ông Đặng Hoàng Long đưa ra ý kiến.
Về vấn đề thời gian xử lý thu hồi đất sau khi nhà đầu tư thứ cấp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Điều 80 dự thảo Luật Đất đai còn quy định: “Trường hợp chậm tiến độ quá 48 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà chủ đầu tư chưa hoàn thành dự án đưa đất vào sử dụng, thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.
Đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang bày tỏ quan điểm, luật cần phải quy định rõ ràng về mốc thời điểm tính thời gian chậm đầu tư là tiến độ ghi trong dự án đầu tư được cấp lần đầu hay tiến độ hiện tại của dự án đầu tư?
Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị xem xét quy định trong Dự luật về thời gian thu hồi đất nếu vi phạm chậm đưa đất vào sử dụng nhỏ hơn 48 tháng, nhận định rằng thời gian 24 tháng như Luật hiện hành là phù hợp.
Vì đất đã được đầu tư đồng bộ hạ tầng, mà mỗi dự án đều có tiến độ đầu tư và được giãn tiến độ không quá 24 tháng (02 năm), như vậy khi dự án không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước phải cần tối thiểu 06 năm (chưa tính thời gian tiến độ thực hiện dự án) mới có thể thu hồi đất là quá dài và gây lãng phí đất.
Ngoài ra, Luật cần có quy định cụ thể khái niệm về chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng: Áp dụng đối với toàn bộ diện tích đất của dự án hay một phần diện tích đất của dự án đầu tư.
Bên cạnh hai vấn đề được nêu trên, vấn đề xử lý tài sản trên đất cũng được Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang hết sức chú trọng.
Ông Long cho rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa quy định cụ thể việc xử lý tài sản trên đất đối với trường hợp thu hồi đất, nếu chủ sở hữu tài sản không di dời thì xử lý như thế nào, thời gian tối đa là bao lâu phải di dời tài sản trên đất, có phải nộp tiền thuê đất hay không?
Trao đổi với phóng viên về tình trạng trên, ông Đặng Hoàng Long đưa ra dẫn chứng: “Hiện nay, trên địa bàn KCN Đình Trám - tỉnh Bắc Giang cũng đang tồn tại một trường hợp như vậy. Cụ thể, công ty A (giấu tên) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tuy nhiên sau đó công ty này do vi phạm tiến độ đầu tư nên đã bị thu hồi giấy chứng nhận theo quyết định của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang vào năm 2015. Sau nhiều lần đâm đơn kiện về quyết định thu hồi trên của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang là không đúng pháp luật, công ty A vẫn liên tục trì hoãn, kéo dài thời gian di dời tài sản trên đất. Với diện tích khoảng hơn 4.000m2, suốt 8 năm qua, phần đất này bị đóng băng do tài sản chưa di dời, các công trình nhà xưởng tan hoang, đổ nát, không có đất sạch để bàn giao cho các nhà đầu tư thứ cấp khác, gây lãng phí tài nguyên”.
Cũng theo ông Long, về pháp luật, vẫn có thể cung cấp dự án mới cho một nhà đầu tư thứ cấp khác trên phần đất đó, tuy nhiên trên thực tế, dự án mới đó chắc chắn sẽ không có mặt bằng, không thể hoạt động được do phần tài sản trên đất chưa được xử lý. Trong khi đó, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN vẫn phải trả khoản tiền thuê đất này cho Nhà nước.
Đại diện Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về Luật thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai đối với các KCN hiện nay vẫn còn một số điểm cần phải hoàn thiện thêm. Do vậy, thời gian tới, vẫn cần thiết có sự tham gia đóng góp ý kiến tích cực của các cấp, các ban, ngành, cá nhân có liên quan.
N.P.V