Yêu cầu này được Bộ Công Thương gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 20/3, trong bối cảnh khung giá phát điện cho các dự án điện tái tạo chuyển tiếp được ban hành đầu năm nay. Việc sớm đưa các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp vào vận hành, theo Bộ này, để tránh lãng phí tài nguyên.
Với thời hạn Bộ Công Thương đưa ra, EVN và các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp còn khoảng 10 ngày để đàm phán, thống nhất giá phát điện.
Trong khi theo thống kê của EVN, đến ngày 20/3 mới có một hồ sơ của chủ đầu tư dự án điện tái tạo chuyển tiếp gửi về tập đoàn này để rà soát đàm phán hợp đồng mua bán điện, giá điện.
Lý do được các chủ đầu tư nêu khiến họ không mặn mà gửi hồ sơ, đàm phán giá là khung giá phát điện mới Bộ Công Thương đưa ra quá thấp, khiến họ rơi vào nguy cơ mất cân đối tài chính, phá sản.
Ngoài ra, sau khi ban hành khung giá, Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn về hợp đồng mua bán điện, phương pháp tính giá điện với các dự án chuyển tiếp. Điều này khiến cho nhà đầu tư lo ngại về dòng tiền trong tương lai để đảm bảo hoàn vốn và có lợi nhuận.
Tại cuộc gặp với các chủ đầu tư điện tái tạo chuyển tiếp hôm 20/3, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân đề nghị các nhà đầu tư nhanh chóng gửi hồ sơ về Công ty Mua bán điện (EPTC), trường hợp thiếu có thể được bổ sung sau. Việc này nhằm đẩy nhanh việc đàm phán, giúp các dự án chuyển tiếp đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.
Trong thời gian chờ đợi đàm phán có thể kéo dài, các nhà đầu tư kiến nghị Bộ Công Thương cho phép EVN huy động ngay sản lượng điện của số dự án đã hoàn thành thi công, thử nghiệm để tránh lãng phí. Giá huy động tạm tính bằng 90% giá nhập khẩu điện tái tạo (6,95 cent một kWh), tương đương 6,25 cent một kWh.
Anh Minh