Cảnh nhếch nhác xảy ra nhiều nơi
Sau đại dịch Covid-19, do chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng có phần "nới nhẹ” để người dân lao động có điều kiện buôn bán, sinh sống, thế là nhiều tuyến đường thông thoáng trên địa bàn TPHCM bắt đầu trở nên chật chội, nhếch nhác do các đoạn vỉa hè bị lấn chiếm.
Dạo một vòng quanh chợ Bến Thành (P.Bến Thành, Q1), cảnh các tiệm bán đồ thể thao, valy, giỏ xách... trên đường Lưu Văn Lang bày hàng hóa tràn ra lòng đường, gây mất trật tự an toàn giao thông. Tại các tuyến đường Lê Công Kiều, Nguyễn Văn Chiêm, Lý Tự Trọng, Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Huỳnh Thúc Kháng (Q1), Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định (Q3)..., cảnh lối đi của khách bộ hành bị chiếm dụng để buôn bán khá phổ biến. Thậm chí có chỗ lòng đường còn bị sử dụng để làm... bãi đậu ôtô.
Trên đường Lý Tự Trọng (đoạn giao với đường Nguyễn Trung Trực), vào tầm chiều tối thường xuyên bị kẹt xe do các quán ăn tận dụng vỉa hè để bày bàn ghế, khiến những người đi bộ, nhất là khách du lịch phải lưu thông trên đường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Còn dưới lòng đường, ôtô đậu san sát. Tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến đường Huỳnh Thúc Kháng, nhiều người bán hàng rong vẫn tụ tập hàng ngày, nhất là buổi chiều tối. Những món ăn như bánh mì, bánh tráng trộn, bún bò, bánh canh... được bày bán ngay trên vỉa hè. Có người còn mang theo những chiếc ghế nhỏ để cho khách ngồi ăn uống.
Mỗi khi lực lượng trật tự đô thị của phường đến, từ xa đã có người cảnh báo. Thế là những người bán hàng rong vội vàng ôm đồ đạc, hàng hóa bỏ chạy. Khi lực lượng trật tự đô thị đi sang nơi khác, họ lại quay ra, buôn bán lấn chiếm vỉa hè như cũ.
Thực tế có muôn kiểu "xâm hại vỉa hè”. Ngoài việc dùng để đậu xe, nấu nướng, chủ các quán nhậu, cà phê, nước giải khát... còn bày bàn ghế cho khách ngồi ăn uống. Vỉa hè nhiều tuyến đường chỉ rộng hơn 1,5m, nhưng lại bị chiếm dụng hết để giữ xe máy cho khách. Trên đường Nguyễn Huệ (Q1), các gánh hàng rong phục vụ du khách nước ngoài nối tiếp nhau, chắn lối của người đi bộ. Nhiều du khách phải xuống đường, luồn lách giữa dòng xe để di chuyển.
Trên đường Tô Hiến Thành (P13 và P15Q10), lấy lý do phát triển "kinh tế đêm", hàng quán gần như tràn hẳn xuống đường. Khách hàng chủ yếu là các bạn trẻ được sắp xếp ngồi san sát, chiếm hết vỉa hè. Thậm chí có chỗ bàn ghế bày ngay trên đường, bất chấp dòng xe cộ đang lưu thông.
Tương tự, trên tuyến đường Sư Vạn Hạnh (P12 và P13Q10), cảnh các bạn trẻ ngồi ăn uống ồn ào trên vỉa hè (đoạn đối diện cổng Bệnh viện 115), mặc cho dòng xe cộ tấp nập lướt qua bên cạnh, khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Ông Dương Văn Dũng (sống ở khu vực này) chia sẻ: "Chính vì việc vô tư ăn uống như vậy mà đã có tai nạn giao thông xảy ra. Chưa kể khách hàng ban đêm còn vô tình biến mình thành "mồi" cho các đối tượng cướp giật đường phố".
Dọc bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (hai đường Trường Sa và Hoàng Sa), những năm gần đây quán nhậu mở ra rất nhiều. Các quán kê bàn ghế ra sát mép đường, một số quán còn ngang nhiên dùng hàng rào chắn để làm bãi đậu xe. Chiều chiều, nhiều quán nhậu dọc đường Trường Sa, Hoàng Sa (Q1 và Q3) rục rịch dọn bàn ghế đón khách. Dọc đoạn đường Trường Sa thuộc P.Đa Kao (Q1), nhiều quán nhậu còn xếp bàn ghế chiếm trọn vỉa hè.
Tương tự, trên tuyến đường Minh Phụng (Q11), nhân viên nhiều quán nhậu thản nhiên bày bàn ghế, biển hiệu chiếm dụng một phần vỉa hè. Người đi bộ, đặc biệt là các em học sinh chen lấn, có khi phải bước xuống đường để lưu thông, trong khi thực khách đang mải mê chọn món. Tại đường Xóm Đất trước chợ Bình Thới (Q11), tình trạng họp chợ tự phát, buôn bán tràn ra giữa đường xảy ra thường xuyên, khiến người dân mỗi lần qua đây gặp không ít trở ngại. Lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý, nhưng sau khi lực lượng chức năng đi khỏi thì chợ tự phát lại tiếp tục hoạt động.
Xe máy "băm" nát vỉa hè
Ngoài ra, các điểm tập kết rác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lối đi bộ của người dân. Trong khi đó, tại các tuyến đường xung quanh bến xe, chợ, công viên, tình trạng bày hàng hóa, đặt biển quảng cáo, đẩy xe bán hàng rong xuất hiện rất nhiều. Các địa điểm xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường rất nhiều trên địa bàn Q.Bình Thạnh là các tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 26), xung quanh Bến xe Miền Đông. Gần đây, nhiều tiểu thương còn chiếm lòng đường để buôn bán, khiến tuyến đường Nguyễn Văn Linh (đoạn qua chợ đầu mối Bình Điền (H.Bình Chánh) trở nên nhếch nhác, giao thông thường xuyên bị ùn ứ vào giờ cao điểm.
Người dân sống trên các tuyến đường bị lấn chiếm cho biết, nguyên nhân khiến nền gạch nhiều đoạn vỉa hè bị hư hỏng chủ yếu do các xe máy chạy qua đây khi kẹt xe hay vào giờ cao điểm. Chị Nguyễn Thị Ánh (ngụ Q3) cho biết, trên đường Nguyễn Đình Chiểu, từ sáng đến tối, giờ nào cũng có người lái xe máy lên vỉa hè. Cứ một miếng gạch bị bong ra thì sẽ kéo theo nhiều miếng khác bể vụn theo. Những ngày mưa lớn, đã có người té ngã ở đây vì nước ngập, che khuất phần sụt lún. Ngoài việc gây mất an toàn cho người đi bộ, hàng loạt đoạn vỉa hè hư hỏng còn làm mất mỹ quan đô thị.
Trên đường Nguyễn Tất Thành (Q4), hầu như ngày nào cũng kẹt xe vào giờ cao điểm. Do ôtô xếp hàng dài, lấn cả phần đường dành cho xe máy nên những người đi xe máy nối tiếp nhau lái lên lề, khiến gạch vỉa hè bể nát, bong tróc nham nhở. Còn trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Nguyễn Thị Minh Khai thì nhiều đoạn bị các hàng quán chiếm dụng phần vỉa hè để giữ xe hoặc kê bàn ghế để kinh doanh, buôn bán. Mỗi lần ùn tắc giao thông, xe cộ phóng lên lề chạy rầm rập, nước thải từ những hàng quán đổ thẳng xuống lòng lề đường, trông rất nhếch nhác.
Đặc biệt, tại các tuyến đường: Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Trường Chinh (Q.Tân Bình)..., vào giờ cao điểm xảy ra tình trạng mạnh ai nấy giành đường để lưu thông. Xe tải, xe buýt, ôtô con thì giành làn đường của xe máy, xe máy không còn lối lại phóng lên vỉa hè. Tại khu vực ngã 3 mũi tàu đến đoạn đường Tân Kỳ - Tân Quý, tình trạng giành lối của khách bộ hành không đỡ hơn chút nào. Những lúc đó, người đi bộ đành bất lực, chỉ còn biết nhường đường cho xe qua và đứng nhìn.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.579441_gnoh-uh-pac-gnoux-ib-ion-ueihn-eh-aiv-2-iab/gnos-iod/nv.moc.nagnoc